1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Thủ tướng: Chúng ta phải chống virus corona và “virus trì trệ”!

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chúng ta phải chống virus corona và “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh để không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội.

Chiều nay (12/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ nhằm đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona (Covid -19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát tiển kinh tế - xã hội năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với các biện pháp mạnh, cụ thể, hiệu quả, tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong khi đó nhiệm vụ năm 2020 được giao rất nặng nề.

Thủ tướng: Chúng ta phải chống virus corona và “virus trì trệ”! - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: VGP)

“Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia” -  Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, đó là virus corona và “virus trì trệ”; không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. 

Theo Thủ tướng, chúng ta không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ phải tìm biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, du lịch, xuất nhập khẩu và các hoạt động khác trong bối cảnh dịch bệnh. Làm sao tái cơ cấu nền kinh tế, giảm chi phí và những chính sách nào thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng đặt vấn đề kể cả kích cầu, thúc đẩy giải ngân hay chính sách giảm phí, lệ phí và dịch vụ khác, làm sao giảm lãi suất và chuyển đổi thị trường. Đây là một thử thách phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ năm nay. Nếu chỉ với cách làm bình thường sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác.

Thủ tướng: Chúng ta phải chống virus corona và “virus trì trệ”! - 2

Thường trực Chính phủ họp đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona (Covid -19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát tiển kinh tế - xã hội năm 2020 (ảnh: VGP)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cùng với tác động từ dịch bệnh sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài.

Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỷ USD.

Theo Bộ này, dịch bệnh đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. 

“Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có  đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ” - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin và cho biết những lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh này gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp; đầu tư; du lịch; vận tải; các ngành dịch vụ; xuất nhập khẩu hàng hóa; chỉ số giá tiêu dung; doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; một số tình hình xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của Việt Nam là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020.

Tính đến 8h00 ngày 12/2, sau gần 2 tháng phát hiện, dịch đã lan ra 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới là 44.793 người với 1.112 người tử vong.

Việt Nam đã phát hiện 15 trường hợp mắc Covid-19, trong đó đã điều trị khỏi 7 người, chưa có bệnh nhân tử vong. So với dịch SARS (năm 2003) thì số lượng người nhiễm bệnh và chết tăng rất nhanh, vượt xa số ca nhiễm và tử vong do SARS.

Châu Như Quỳnh