Thủ tướng: Chuẩn bị tình huống xấu nhất trong quan hệ với Trung Quốc

(Dân trí) - Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương, Việt Nam xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, “hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào”.

Ảnh: VGP.
Ảnh: VGP.
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan: Việt Nam không bất ngờ về chiến lược!

* “Đại gia” ngân hàng Pháp ngậm ngùi nộp phạt 9 tỷ USD cho Mỹ

* Hà Nội: Ở Indochina Plaza Hanoi vẫn bị kỹ thuật viên “chôm” đồ

* Warren Buffett định giá một công ty như thế nào?

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên tại cuộc Họp báo Chính phủ cuối chiều nay 1/7, qua quá trình thảo luận gần 2 ngày trong phiên họp trực tuyến với cả nước cùng các ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Chính phủ kiểm điểm báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm cùng với tình hình biển Đông và biện pháp ứng phó khi có diễn biến xấu xảy ra. Chính phủ kiểm điểm những việc làm được và chưa được ứng với các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã được giao.

Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm, Việt Nam đối mặt với tình hình khó khăn chung của thế giới, trong nước. Đặc biệt, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm chủ quyền của Việt Nam, cả nước vừa phải đương đầu với những khó khăn chung trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới, nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu vừa phải nỗ lực đối phó với tình hình trên Biển Đông.

Nhờ sự nỗ lực chung của cả nước, 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng khá trên tất cả các lĩnh vực. GDP bình quân 6 tháng đạt 5,18%. Công nghiệp tăng đều hàng tháng, mỗi tháng nhích lên 0,2%. Lĩnh vực nông nghiệp có những mặt tăng trưởng nhảy vọt.

Ông Nên đánh giá, điều đó chứng tỏ trong bối cảnh khó khăn, sự phối hợp giữa các ngành các cấp đã làm nên con số đáng ghi nhận đó. Các chỉ số vĩ mô tiếp tục đảm bảo, ổn định. Cán cân xuất nhập khẩu, thu ngân sách vượt xa chỉ tiêu đề ra.

Về văn hoá xã hội, nhà nước tiếp tục quan tâm tổ chức thực hiện để hoàn thành một số nhiệm vụ đề ra trong lĩnh vực việc làm, y tế, đảm bảo an sinh xã hội, lo cho người nghèo….

Về an ninh trật tự, an toàn xã hội, trừ một số vụ manh động xảy ra trong tháng 5 vừa qua, tình hình cơ bản ổn định.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đề ra thêm 2 mục tiêu để quan tâm chỉ đạo điều hành: tập trung với nỗ lực cao nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng các biện pháp hoà bình; bảo đảm được an ninh trật tự xã hội, không để tái diễn tình trạng manh động như vừa qua. Chính phủ thống nhất không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác đã được Quốc hội giao, nỗ lực để cuối năm đạt mức tăng trưởng GDP 5,8%.

“Chính phủ dự trù, với tình huống xấu xảy ra, hoạt động giao thương kinh tế thương mại với Trung Quốc đình trệ thì cần mở rộng thị trường để tuân thủ nguyên tắc không quá phụ thuộc, “đặt cược” quá lớn vào một thị trường nhất định” – ông Nên cho biết.

Không thay đổi định hướng điều hành kinh tế - xã hội

Bản thông cáo về 2 ngày làm việc từ 30/6 đến 1/7 của Chính phủ, cơ quan điều hành đã xác định rõ: nỗ lực cao nhất, bằng các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, an ninh trật tự để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quyết tâm, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội chủ yếu đã đề ra từ đầu năm. 

“Không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Để ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội do tình hình phức tạp trên Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương Việt Nam xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. “Việt Nam hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào” - Thủ tướng khẳng định. Điều này đã được nêu trong nội dung Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế.

Song song với đó, Thủ tướng cũng lưu ý rằng, cùng với việc triển khai quan hệ hợp tác bình thường, cùng có lợi với Trung Quốc, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động tính toán các phương án ứng phó phù hợp khi xảy ra các tình huống xấu; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, chú trọng giải phóng mặt bằng, tái định cư, bố trí vốn đối ứng. Thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, qua đó góp phần tăng tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; triển khai các biện pháp hiệu quả khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ cho ngư dân đóng mới, sửa chữa tàu cá.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc chi hỗ trợ 16.000 tỷ đồng cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư.

Việc tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định TPP, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc và với các đối tác khác cũng là một trong những phương án quan trọng để giải quyết tình hình.

Bich Diệp - Phương Thảo

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”