1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thủ tướng báo cáo Quốc hội việc Covid-19 “càn quét” nền kinh tế

(Dân trí) - Sáng nay (20/5), Thủ tướng sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; nhấn mạnh tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế, các phương án phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo đó, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 40 phút để trình bày báo cáo này.

Văn phòng Quốc hội thông tin về kỳ họp cho biết, báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước sẽ có nội dung về tình hình phòng, chống dịch Covid-19; đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng báo cáo Quốc hội việc Covid-19 “càn quét” nền kinh tế - 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Theo tổ chức Oxfam - một liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại trên 90 quốc gia, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra có sức ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008.

Báo cáo Triển vọng kinh tế mới đây của Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng -3% trong năm nay, đánh dấu một cuộc suy thoái sâu nhất kể từ đại suy thoái của những năm 1930.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế và hiện đang phải chịu rất nhiều tổn thất vì dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với gần 130.000 doanh nghiệp trong tháng 4 vừa qua, có 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tỷ lệ chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 càng cao; gần 58% doanh nghiệp bị giảm mạnh về thị trường tiêu thụ sản phẩm; khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. 

Mặc dù bị dịch Covid-19 “càn quét” nhưng kinh tế Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng. Dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) cuối tháng 3 cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 là 4,9%, con số của một tổ chức khác dự báo là 2,8%.

Chính phủ Việt Nam đã công bố chính thức thông tin trong quý 1/2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 3,82% - mức thấp nhất của quý 1 trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng là mức khá cao so với bối cảnh chung của thế giới và cao nhất khu vực ASEAN và châu Á. 

Mới đây, đánh giá về bình diện kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tăng trưởng của Việt Nam duy trì được mức cao hơn so với bình quân tăng trưởng mà các nước đạt được trong thời kỳ thuận lợi, điều này cũng cho thấy Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường thế giới.

Trong tình hình mới, Chính phủ đã thiết lập trạng thái bình thường với dịch Covid-19 nhằm thực hiện “mục tiêu kép” là phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức trên 5%, phải kiểm soát lạm phát dưới 4%”.

Tuy vậy, nói về rủi ro của nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19 nhiên, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra hồi trung tuần tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo: “Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển; cần hình thành sớm các kịch bản vực dậy nền kinh tế”.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm