Thu nhập khủng của sếp: Phần thưởng và nỗi bức xúc

Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, trong khi đa số DN có xu hướng tiết giảm chi phí lương thưởng thì không ít DN, nhất là các ông lớn lại sẵn sàng chi tiền nhiều, thưởng cổ phiếu lớn để trả công cho những lãnh đạo có năng lực.

Nhiều tập đoàn lớn sẵn sàng chi đậm để thuê CEO tài giỏi lèo lái DN trong bối cảnh cạnh tranh cao, quy mô DN lớn dần.
 
DN phát triển, thưởng khủng cho sếp

 

DN phát triển, thưởng khủng cho sếp

 

Đầu tháng 6/2013, giới đầu tư xôn xao về việc một tập đoàn tư nhân phát hành hàng chục triệu  cổ phiếu ưu đãi (ESOP) cho nhóm mấy chục người lao động mà chủ yếu là các lãnh đạo cao cấp với mệnh giá 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/10 giá cổ phiếu trên thị trường.

 

Khoản cổ phiếu ưu đãi này có thể nhanh chóng “thành tiền tươi thóc thật” khi được phép bán ngay để thu tiền về mà không hạn chế chuyển nhượng. Tính ra, vị trí tổng giám đốc với khoảng 5 - 6 triệu triệu cổ phiếu, trị giá hơn 500 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, điều này cũng dễ dàng được các cổ đông và nhà đầu tư chấp nhận khi tập đoàn này có được tốc độ phát triển ấn tượng trong mấy năm qua. Qua đây có thể, nếu chọn được Ceo tốt và Ceo điều hành mang lại kể quả tốt thì các ông chủ cũng không tiếc các khoản lương tưởng. Hơn nữa, không chỉ ông chủ mà người làm thuê nếu giỏi cũng sẽ nhanh chóng trở thành những người rất giàu có.

 

Ở Tập đoàn Hòa Phát của ông chủ Trần Đình Long, tổng giám đốc Trần Tuấn Dương và vợ cũng đang sở hữu lượng cổ phiếu trị giá hàng trăm tỷ đồng. Chủ tịch kiêm CEO của REE Corp. Nguyễn Thị Mai Thanh hay bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc PNJ cũng nhận lương, thưởng hàng trăm triệu đồng/tháng từ nhiều năm nay.

 

Số liệu của một số DN lớn gần đây cũng cho thấy, các đại gia đang mạnh tay chi trả lương thưởng cho người lao động. Trong quý I/2013, Ngân hàng Vietinbank chi cho nhân viên trung bình hơn 21 triệu đồng/tháng; trong khi Vietcombank ghi nhận thu nhập trung bình của người lao động là 19 triệu đồng/tháng; MBBank 18 triệu đồng/tháng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) 18 triệu đồng/tháng; PetroVietnam 15 triệu đồng/tháng.

 

Với mức lương trung bình cao như vậy, việc lãnh đạo các doanh nghiệp nói trên hưởng lương vài trăm triệu/tháng có lẽ là điều bình thường. Và điều đó cho thấy niềm tin và kỳ vọng của cổ đông và nhà đầu tư vào người lèo lái DN.

 

Bức xúc với lương sếp

 

Bên cạnh việc trả lương cao thì việc trả thưởng thông qua nhiều hình thức như cổ phiếu ưu đãi cũng đang được nhiều DN sử dụng như một khoản tưởng thưởng xứng đáng. Quyết định phát hành cổ phiếu ESOP được khá nhiều người ủng hộ khi DN đạt được là rất ấn tượng.

 

Hiện tượng doanh nghiệp chi trả hậu hĩnh cho các nhà lãnh đạo là một xu hướng mới. Lương thưởng cao sẽ khuyến khích được lãnh đạo phát triển doanh nghiệp, mang lợi ích đến cho cổ đông, các ông chủ.

 

Tuy nhiên, tại nhiều DN, nhất là DNNN việc trả lương thưởng quá cao một cách không phù hợp và minh bạch... có thể gây ra sự bức xúc trong giới đầu tư và trong xã hội. Đáng nói nhất là khối các DNNN với nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ hoặc kém hiệu quả nhưng mức chi trả lương thưởng rất cao.

 

Trong năm 2012, mặc dù lỗ năm (1.671 tỷ đồng) nhưng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn chi trả cho các chức danh lãnh đạo như phó tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT... 40-50 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của lãnh đạo Vinafood 1 và Vinafood 2 năm 2011 cũng 60-80 triệu đồng/tháng. Đây là chế độ lương, thưởng thuộc hàng cao so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

 

Với các công ty đại chúng hay các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy, đòi hỏi của các cổ đông, NĐT và người dân là sự minh bạch và cơ sở của việc chi lương thưởng cho những người lãnh đạo. Trong bối cảnh đời sống người lao động khó khăn, DN làm ăn không hiệu quả, thậm chí thua lỗ mà lương thưởng quá cao chắc chắn là một nghịch lý.

 

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là, hiệu quả của các doanh nghiệp, các tập đoàn có tương xứng với thù lao mà các vị chủ tịch, tổng giám đốc nhận được hay không?. Những khoản thu nhập lớn được tính toán ra sao, dựa trên tiêu chí nào, có tính tới tốc độ tăng lợi nhuận, tăng năng suất, tăng thị phần hay không? So sánh với mặt chung của xã hội hay mặt bằng chung tại chính doanh nghiệp thì như thế nào? Và những cơ sở đó có được công bố trước đại hội cổ đông hàng năm hay không?

 

Có lẽ chính sách áp dụng lương thưởng cao là cần thiết trong thời đại ngày nay khi mà vai trò của người quản lý doanh nghiệp ngày càng được khẳng định tầm quan trọng. Mặc dù vậy, việc áp dụng như thế nào, có đúng, hợp lý, hợp tình không mới là quan trọng. Việc áp dụng lương thưởng không đúng có thể gây ra dư luận không tốt, phản tác dụng.

 

Theo Huấn Tú

VEF