1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Làm giàu không khó:

Thu hơn 1 tỷ đồng/năm nhờ mô hình sản xuất lươn giống

(Dân trí) - Trở về cuộc sống đời thường, ông Huỳnh Văn Ri, thương binh 4/4 vẫn còn gần chục mảnh đạn dính trong người. Sức khỏe yếu, ông vẫn miệt mày lao động, sản xuất để giờ thành quả là mô hình sản xuất lươn giống thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Năm 1968, theo tiếng gọi của non sông, chàng thanh niên Huỳnh Văn Ri, SN 1952 (ngụ ấp Long Công, xã Phú Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1971, ông bị thương ở cánh tay và hàng chục mảnh đạn ở lưng, chân, phổi… được đưa vào nằm viện một thời gian, khi khỏe lại tiếp tục xung trận. Năm 1977, khi đó sức khỏe yếu nên tổ chức cho ông xuất ngũ trở về quê hương lao động, sản xuất.

 

Tuổi cao nhưng thương binh Huỳnh Văn Ri vẫn miệt mày lao động, sản xuất
Tuổi cao nhưng thương binh Huỳnh Văn Ri vẫn miệt mày lao động, sản xuất

 

Hãy chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp, làm giàu của bạn với chúng tôi về email:kinhdoanh@dantri.com.vn

Về đời thường, ông mang trong người gần chục mảnh đạn với xác nhận thương binh 4/4, tỷ lệ thương tật trên 30% và Huân chương kháng chiến hạng nhì. Ông Ri kể lại: “Lúc đó về quê hương, gia đình cho được 2 công đất làm ruộng nên hai vợ chồng phải bươn chải đủ thứ nghề để kiếm sống. Thời điểm nghèo khó ai cũng ăn độn và thậm chí “buôn lậu” gạo ở tận Cà Mau mới mong có được cái ăn nên rất vất vả”. 

Bằng ý chí và nghị lực của “Bộ đội Cụ Hồ”, ông miệt mài lao động, phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất “bom cài, đạn xới” ở quê hương. Tuy nhiên, khó khăn luôn chồng chất khi ruộng đồng đầy hố bom còn vườn tượt toàn cây tạp hiệu quả chẳng bao nhiêu. Vì vậy ông nghĩ ra nghề nuôi lươn vì chẳng tốn nhiều đất mà hiệu quả lại cao.

 

Mô hình sản xuất lươn giống đem về cho ông thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm
Mô hình sản xuất lươn giống đem về cho ông thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm

 

Ông Ri cho biết: “Hồi nhỏ tôi mê nhất là ra đồng bắt lươn nên sau khi xuất ngũ về tôi nghĩ cách tìm bắt lươn nhỏ đem về nuôi. Ban đầu chỉ nuôi 1 hầm theo kiểu “nghiên cứu” để đến Tết thu hoạch có tiền sắm sửa trong nhà còn dư chút đỉnh thì chừa lại ăn Tết luôn”. Suốt mấy chục năm nuôi lươn, ông chỉ phát triển lên được vài hầm vì nguồn con giống khá hiếm. Đến năm 2008, nguồn con giống ngoài đồng cạn kiệt do việc đánh bắt bằng thuốc, xuyệt điện tràn lan. Không có con giống tự nhiên nên ông nghĩ ra cách cho lươn đẻ, ươm thành con giống để nuôi. Là nông dân, chưa nắm bắt kỹ thuật nên năm đầu tiên ông bị thất bại nặng nề, tỷ lệ sống rất ít. Không nản chí, ông vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm và những vụ sau đã khắc phục những hạn chế để rồi cuối cùng là nông dân đầu tiên trong vùng thành công với mô hình sản xuất lươn giống.

 

Mô hình sản xuất lươn giống đem về cho ông thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm
Mặc dù còn nhiều vết thương trong người, sức khỏe yếu ông vẫn tham gia lao động khiến nhiều người nể phục

 

Khi thành công, ông bắt đầu cung ứng cho bà con trong vùng rồi những nông dân ở các tỉnh xa biết tiếng cũng tìm đến để mua con giống về nuôi. Hiện nay, ông Ri sản xuất theo đơn đặt hàng của nông dân ở khắp nơi trong cả nước với giá 3.000 đồng/con lươn giống. Vừa rồi có đối tác Nhật, Hàn Quốc đến đặt hàng nhưng ông từ chối vì số lượng quá lớn. Trung bình mỗi năm, ông sản xuất khoảng 400.000 con lươn giống, doanh thu trên 1 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí ông thu về lợi nhuận trên 600 triệu đồng. Dù lớn tuổi nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, sản xuất lươn giống và đang chuyển giao dần sang những đứa con tiếp tục theo nghề. Ông luôn quan niêm “thương binh tàn nhưng không phế” nên phải luôn phấn đấu trong lao động, sản xuất.

 

Ông chia khu sản xuất ra thành từng ô nhỏ để ươm lươn giống
Ông chia khu sản xuất ra thành từng ô nhỏ để ươm lươn giống

 

Căn nhà của ông Ri nằm sâu trong con đường giao thông nông thôn nhưng lâu lâu lại có nông dân từ các tỉnh xa lặn lội tìm tới để mua con giống, tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ông Ri tận tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn và chuyển giao cả việc sản xuất lươn giống để cùng nhau làm giàu. Lớn tuổi nhưng ông vẫn hăng say lao động, sản xuất khiến rất nhiều người thán phục

Hoàng Trung

 

Ông chia khu sản xuất ra thành từng ô nhỏ để ươm lươn giống