Thu hẹp đầu mối xuất khẩu cà phê

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, sẽ xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại hoạt động kinh doanh cà phê theo hướng những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tham gia xuất khẩu.

Thu hẹp đầu mối xuất khẩu cà phê - 1
 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Diệp Kỉnh Tần.
 
Thị phần các doanh nghiệp trong nước đang bị thu hẹp do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mở rộng mạng lưới thu mua trực tiếp từ người dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh?

 

Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, hiện có 13 doanh nghiệp nước ngoài có đại lý, chi nhánh thu mua cà phê ở Việt Nam, với lượng cà phê thu mua là 377.000 tấn, chiếm 30% sản lượng. Chúng tôi đã rà soát lại các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết của Việt Nam về quyền mua của các doanh nghiệp FDI. Thực tế, họ đều mua cà phê qua các doanh nghiệp tại Việt Nam và chúng ta không thể bắt lỗi họ được.

 

Nói doanh nghiệp FDI có lợi thế cạnh tranh hơn vì được tiếp cận vốn rẻ cũng không hẳn chính xác. Tôi được biết, có doanh nghiệp FDI vay ngoại tệ với lãi suất không hề rẻ (8-9%/năm), sau đó bán lấy VND để mua cà phê nguyên liệu, đến khi xuất khẩu có ngoại tệ thì đem trả lại ngân hàng.

 

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước vay nội tệ để mua nguyên liệu, nhưng khi xuất khẩu có ngoại tệ lại bán ra thị trường tự do, chứ không bán cho ngân hàng.

 

Vì vậy, theo tôi, phải nhìn nhận vấn đề một cách công bằng. Vấn đề cốt lõi hiện nay là các doanh nghiệp trong nước phải kiểm điểm lại mình, tự vươn lên, bởi Nhà nước đã hỗ trợ họ rất nhiều.

 

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê thua lỗ. Có lẽ, ngành cà phê nên thu hẹp đầu mối xuất khẩu để lành mạnh hóa thị trường, giống như ngành gạo, thưa Thứ trưởng?

 

Nên có quy định doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tham gia xuất khẩu cà phê để lành mạnh hóa thị trường. Bộï Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đều ủng hộ phương án này.

 

Tôi cho rằng, làm được điều này sẽ cải thiện rất lớn hình ảnh, uy tín, thương hiệu cà phê Việt Nam. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì thế giới, mang về mỗi năm khoảng 2-3 tỷ USD, nhưng gần 70% doanh nghiệp trong tổng số 160 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê làm ăn không hiệu quả. Sắp xếp lại đầu mối xuất khẩu cà phê để hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, phá giá là việc cần thiết.

 

Thưa Thứ trưởng, niên vụ cà phê 2011-2012 sắp bắt đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có động thái gì để tháo gỡ khó khăn về vốn thu mua nguyên liệu cho các doanh nghiệp?

 

Sản lượng cà phê nhân trong niên vụ sắp tới ước đạt 1 triệu tấn, trong đó doanh nghiệp trong nước thu mua khoảng 70%, tương ứng số vốn khoảng 32.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn này sẽ được quay thành hai vòng, như vậy, nhu cầu vốn thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2011-2012 khoảng 16.000 tỷ đồng.

 

Năm nay, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đã sớm chủ động phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để trao đổi về vấn đề vốn thu mua cà phê niên vụ 2011- 2012.

 

Theo đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước đảm bảo sẽ cung ứng đủ vốn cho các doanh nghiệp thu mua cà phê. Các ngân hàng thương mại cũng ủng hộ chủ trương này. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng cho các doanh nghiệp vay 5.000 tỷ đồng.

 

Vì vậy, tôi cho rằng, việc đáp ứng nhu cầu vay vốn 16.000 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu không phải là khó. Vấn đề lớn nhất hiện nay là, các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê có đủ điều kiện để vay vốn hay không, bởi trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thậm chí không trả được nợ ngân hàng.

 

Theo Thùy Liên
Báo Đầu tư