Lo bị ép giá cà phê
Niên vụ cà phê 2011 - 2012 mới bắt đầu được nửa tháng. Cả nông dân và người xuất khẩu vẫn như đang ngồi trên đống lửa, thấp thỏm nhìn giá rơi.
Theo nhận định của các tập đoàn rang xay lớn trên thế giới như Kraft Foods Inc. (KFC) và J.M. Smucker Co., nông dân hai nước Việt Nam và Brazil sẽ được mùa cà phê robusta.
Tuy hạt cà phê vẫn còn trên cây, nhưng với tin bội thu, giá trên thị trường kỳ hạn (TTKH) robusta Liffe NYSE tại London (Anh quốc) đã rớt từ đầu mùa đến nay. Nếu như ngày 1/10, giá đóng cửa kỳ hạn giao hàng tháng 1/2012 ở mức 2.014 USD/tấn thì mấy hôm nay có lúc chỉ còn gần 1.900 USD/tấn. Nếu tính từ tháng 3/2011 đến nay, giá giao dịch trên TTKH Liffe đã giảm gần 28%.
Theo một cuộc thăm dò của Bloomberg trên 16 nhà môi giới, kinh doanh và phân tích thực hiện vào cuối tháng 9/2011, họ ước rằng giá TTKH robusta Liffe đến ngày 31/12/2011 chắc chỉ còn mức 1.884 USD/tấn, so với đợt thăm dò của Reuters vào tháng 7 là 2.400 USD/tấn. Dù biết rằng thăm dò thường ít chính xác, mức giá đưa ra của Bloomberg cũng đủ để làm nông dân nản lòng.
Cho đến nay, có rất nhiều đồn đại về sản lượng cà phê của nước ta, với con số nhỏ nhất từ 18,5 triệu bao của Vicofa đến các con số lớn hơn như 23,5 triệu bao của công ty môi giới CoffeeNetwork. Tuy nhiên, với tin Việt Nam sẽ bội thu, người mua đang cố chờ để mong mua hàng rẻ hơn.
Keith Flurry, một tay trong của nhóm phân tích thị trường ở Rabobank International, London hăm hở nói: “Niên vụ 2011 - 2012, Việt Nam được mùa. Nguồn hàng tăng sẽ đẩy giá xuống, giúp giới rang xay và người tiêu thụ trả tiền cà phê rẻ hơn…”
Giá cà phê nội địa trong mấy ngày qua có khi xuống mức quanh con số 40.000 đồng/kg, so với mức cao trong niên vụ vừa qua là 52.000 đồng/kg.
Chưa vội kết luận ta được mùa hay không, cái đáng ngại hiện nay là tồn kho có giấy chất lượng của TTKH robusta Liffe NYSE (certifieds) đang còn nhiều. Tới đầu tháng 10/2011, lượng tồn kho này vẫn còn đến 368.080 tấn, so với cuối tháng 6/2011 ở mức kỷ lục 412.940 tấn. Sau ba tháng, lượng tồn kho này chỉ giảm đi chừng 40.000 tấn, con số quá ít ỏi. Trong khi đó, lượng bán và xuất khẩu mới của Việt Nam cả hai tháng cuối vụ chừng 60.000 – 70.000 tấn.
Với lượng tồn kho nhiều, các nhà nhập khẩu sẽ dùng chúng như “bùa hộ mạng” để đòi mua giá rẻ trong niên vụ mới. Nếu ta đòi giá cao, họ sẽ bình tâm sử dụng hàng đã lỡ mua đắt đang có. Liệu sức chịu đựng của nông dân cà phê, cả tâm lẫn lực, có đủ để đối chọi với lực lượng “mạnh gạo bạo tiền” của phía người mua? Liệu ta còn cơ hội để bán giá tốt như xưa?