Long An:

Thu giữ hàng trăm ký tôm càng đỏ, tôm hùm nguy hại

(Dân trí) - Kiểm tra cơ sở cá kiểng trên địa bàn, lực lượng chức năng TP Tân An phát hiện hàng loạt tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ được nuôi trái phép. Cơ sở này được xác định nuôi nhiều loại tôm giống nguy hại để cung cấp cho thị trường miền Tây.

Thu giữ hàng trăm ký tôm càng đỏ, tôm hùm nguy hại - 1

Phát hiện nhiều tôm hùm nguy hại tại TP Tân An. 

Sáng 28/8, Công an phường 7, TP Tân An (tỉnh Long An) cho biết vừa tiến hành kiểm tra cơ sở cá kiểng tại khu phố An Thuận, phường 7. Cơ sở trên do ông T.P.M.T (ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, TP Tân An) làm chủ đang nuôi giống hàng trăm kg tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ.

Trang trại của ông T. có quy mô trên 7.000m2, trong đó có từ 3.000 - 4.000m2 được phân ra hàng trăm ao nuôi (dạng bể nuôi xây bằng gạch có lót nhựa) để thực hiện nuôi tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ. Quy trình lai tạo giống, nuôi con giống được ông T. đầu tư theo quy trình khép kín để giao cho thương lái. 

Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, trường hợp nuôi tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ tại phường 7 là điểm đầu tiên mà các ngành chức năng phát hiện trên địa bàn TP Tân An cũng như trên địa bàn tỉnh Long An.

"Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường phối hợp các sở, ngành có liên quan và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đặc điểm nhận dạng, tác hại của tôm hùm nước ngọt và vận động người dân, doanh nghiệp không mua bán, tiêu thụ loài tôm hùm nước ngọt", bà Khanh nhấn mạnh.

Thu giữ hàng trăm ký tôm càng đỏ, tôm hùm nguy hại - 2

Quy trình nuôi tôm hùm khép kín để qua mắt cơ quan chức năng.

 Theo bà Khanh, tôm càng đỏ (hình dạng có màu xanh), tôm hùm nước ngọt (hình dạng màu đỏ). Đây là 2 loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, có sức chống chịu và thích nghi cao. Khi được đưa ra môi trường, tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt sẽ phát triển rất nhanh, phá hoại mùa lúa, tiêu diệt tôm bản địa và là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. 

"Tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh, nuôi tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh và tiêu thụ loài này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản. Người dân, doanh nghiệp đừng vì thiếu hiểu biết pháp luật, lợi nhuận của bản thân mà nuôi, kinh doanh loài thủy sinh này làm gây hại cho môi trường tự nhiên, trái quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản", bà Khanh chia sẻ thêm. 

Xuân Hinh