Thống đốc nhận lỗi về công tác thông tin trong quản lý vàng

(Dân trí) - Trình bày trước Quốc hội sáng nay 31/10, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã “nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công tác thông tin, truyền thông để phổ biến kịp thời về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong quản lý thị trường vàng”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời về việc điều hành thị trường vàng (Nguồn: VTV)
 
Mở đầu phần trình bày trước Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay 31/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình bày tỏ: “Về nội dung quản lý thị trường vàng, tôi thay mặt NHNN nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công tác thông tin, truyền thông để phổ biến kịp thời về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong quản lý thị trường vàng. Do vậy, còn có nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây nên những cái hiểu không đúng và bất ổn trên thị trường”.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình (ảnh: Việt Hưng).
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình (ảnh: Việt Hưng).

15 - 20 tỷ USD bị chôn chặt vào vàng

Theo đánh giá của thống đốc Nguyễn Văn Bình, thời gian qua, do bất ổn kinh tế thế giới và trong nước, giá vàng thế giới tăng cao và giá vàng trong nước có nhiều biến động hết sức thất thường. Do vậy, tình trạng đô la hóa, vàng hóa của nền kinh tế đã được đẩy lên rất cao. Đánh giá không chính thức sơ bộ ban đầu thì nền kinh tế của nước ta có khoảng 300 tấn - 400 tấn vàng, tương đương khoảng 15 tỷ - 20 tỷ USD đã không được đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà bị chôn chặt vào vàng. Hơn nữa, mỗi khi giá vàng biến động đã làm ảnh hưởng đến tỷ giá thông qua hoạt động nhập lậu vàng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao những năm qua và tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương 3 về việc kiên quyết chống đô la hóa và chồng vàng hóa. Đề án chống vàng hóa của NHNN có hai mục tiêu chính là làm sao biến động của giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá và làm sao ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế, từ đó huy động ngược trở lại nguồn vốn này cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Thống đốc NHNN cho hay, đề án chống vàng hóa gồm 3 bước, gồm: xây dựng khuôn khổ pháp lý; chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng trong tổ chức tín dụng (TCTD); chuyển quan hệ huy động- cho vay sang quan hệ mua bán vàng.

Đến nay, NHNN đã triển khai cơ bản được bước 1 và bước 2. Nghị định 24 có hiệu lực từ 25/5/2012 đến nay đã thu được một số kết quả. Từ tháng 5 trở lại đây, giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau khá lớn, từ 1 triệu lên tới 3 triệu đồng/lượng; nhưng trên thị trường có 2 hiện tượng khác hẳn với trước đây, một là không còn việc người dân đổ xô đi mua vàng, hai là mặc dù giá vàng biến động như vậy nhưng tỷ giá vẫn ổn định, thậm chí, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới 3 triệu thì tỷ giá vẫn tiếp tục hạ và NHNN vẫn thu mua được ngoại tệ.

Như vậy, “có thể thấy rằng mục tiêu quan trọng thứ nhất của việc chống vàng hóa đã đạt được kết quả nhất định. Và việc người dân không đổ đi mua vàng nữa chứng tỏ việc vàng hóa được chặn đứng”, Thống đốc nhấn mạnh.

Theo số liệu mà Thống đốc Bình đưa ra: Từ tháng 5/2012 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng từ nền kinh tế, chuyển đổi thành tiền phục vụ phát triển kinh tế. Điều này có nghĩa, theo Thống đốc, mục tiêu thứ hai là chặn đứng và huy động lại số vàng này để phục vụ phát triển kinh tế đã được thực hiện.

Chỉ có Nhà nước độc quyền về vàng miếng

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, tính chung từ đầu năm đến nay, chúng ta mua được cỡ 10 tỷ USD và 60 tấn vàng (khoảng 3 tỷ USD). Đó là nguồn lực đã chuyển đổi từ ngoại tệ và vàng sang VND để phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước. Nhờ vậy, chúng ta có được thanh khoản của nền kinh tế, cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất và có những bước tăng trưởng dù thấp hơn mong muốn của chúng ta nhưng ít nhất cũng đảm bảo cho nền kinh tế ổn định trong thời gian qua.

Bên cạnh kết quả đó, “chúng tôi cũng nhận khuyết điểm trước Quốc hội là vẫn còn một số tồn tại trong quản lý thị trường vàng”, Thống đốc Bình nói.

Về khái niệm về độc quyền vàng miếng SJC, Thống đốc cho hay: Kể từ 25/5, tất cả các đơn vị dập vàng miếng, kể cả Công ty SJC đều phải chấm dứt dập vàng miếng. Và cũng kể từ đó, chỉ có NHNN thực hiện vai trò độc quyền Nhà nước được dập vàng miếng. NHNN chọn SJC là mác vàng của NHNN. Trên thực tế, vàng SJC đến thời điểm này đã chiếm 93-95% thị phần vàng miếng toàn quốc. Do vậy để tránh xáo trộn và chi phí phải dập lại, NHNN sử dụng luôn mác đó và độc quyền NN chứ không có công ty SJC nào được dập vàng miếng SJC nữa.

Theo qui định của Nghị định 24 thì từ sau 25/5, tất cả các loại vàng miếng mà trước đây đã được cấp phép dập vàng miếng đều được phép lưu hành bình thường. Nhà nước không bắt buộc phải chuyển đổi từ mác vàng miếng này sang mác vàng miếng khác.

Hiện nay, đang có nhu cầu chính đáng của người dân là chuyển các vàng khác sang SJC. Do đó, NHNN đã bàn với các cơ quan liên quan nâng cao năng lực thẩm định, giám định để chuyển đổi vàng này cho người dân, trong đó có việc đã tiến hành kiểm định theo lô lớn. “NHNN dùng cả biện pháp ứng trước vàng SJC cho các bên có nhu cầu để sau đó chuyển đổi sau. Chúng tôi sẽ nhanh chóng cùng các cơ quan liên quan nhanh chóng khắc phục, tìm biện pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất, bảo đảm quyền lợi cho người dân”, Thống đốc nói.

Nguyễn Hiền