Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “VAMC không phải chiếc đũa thần”
(Dân trí) - “VAMC không phải là chiếc đũa thần để xử lý hết, xử lý triệt để ngay nợ xấu. Công ty là một công cụ góp phần làm lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại lễ khai trương VAMC (ảnh: AH).
Sáng nay 26/7, Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã chính thức khai trương tại Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ khai trương Công ty quản lý tài sản (VAMC) sáng nay 26/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, theo kinh nghiệm của nhiều nước, công ty mua bán nợ được coi như là một công cụ hữu ích cho quá trình xử lý nợ xấu, cải cách kinh tế, khôi phục lại sự lành mạnh của tổ chức tín dụng nhưng không ít mô hình tại các nước đã thất bại.
Do đó, Thống đốc nhấn mạnh, quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam phải có bước đi thận trọng, khôn khéo, phù hợp thực tiễn trong nước. Bên cạnh đó, bộ máy lãnh đạo và nhân viên của VAMC cũng phải luôn tìm tòi, năng động trong khi hoạt động, nghiêm túc chấp hành mọi quy định để công ty vận hành minh bạch, rõ ràng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, dù ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và bộ ban ngành rất trông chờ vào VAMC nhưng “VAMC không phải là chiếc đũa thần để xử lý hết, xử lý triệt để ngay nợ xấu. Công ty là một công cụ góp phần làm lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng thương mại”.
Do đó, Thống đốc bày tỏ tin tưởng, với sự lựa chọn nhân sự kỹ lưỡng, VAMC ra đời sẽ phát huy vai trò tích cực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến năm 2015 đưa nợ xấu ở mức kiểm soát được theo đúng qui định của pháp luật.
Chia sẻ với báo chí tại buổi khai trương sáng nay, ông Nguyễn Hữu Thủy, Tổng giám đốc VAMC cho biết: Vấn đề xử lý nợ xấu không chỉ nằm trong VAMC mà còn do sự đồng thuận của hệ thống các tổ chức tín dụng, các địa phương.
“Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị đầy đủ về cơ chế, bộ máy, thu nhận những người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tín dụng và xử lý nợ của các ngân hàng thương mại. Chúng tôi tin tưởng VAMC là sẽ đạt được mục tiêu đề ra”, Tổng giám đốc VAMC cho hay.
Nói về quy định các tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3% phải bán nợ cho VAMC, theo ông Nguyễn Hữu Thủy: Việc xử lý được nợ xấu là để các ngân hàng nhẹ gánh nhằm phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế tốt hơn. Về cơ bản, các tổ chức tín dụng rất đồng thuận với việc mua, bán và xử lý nợ xấu mà VAMC đưa ra.
“Không chỉ tổ chức tín dụng nợ xấu trên 3% mà ngay cả các khoản nợ xấu ít hơn 3% thì VAMC sẵn sàng thảo luận để mua nợ xấu từ các ngân hàng này”, ông Thủy cho biết thêm.
Chia sẻ về tính thanh khoản của trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, ông Nguyễn Hữu Thủy cho rằng: “Nghị định 53 nêu rất rõ trái phiếu này không có chuyển đổi trên thị trường mà là giấy ghi nợ của VAMC. Với trái phiếu này, người sở hữu nó có thể đến Ngân hàng Nhà nước để tái chiết khấu”.
Ngoài ra, việc phát hành trái phiếu này cũng được Ngân hàng Nhà nước học hỏi kinh nghiệm của các nước. “Nhiều nước như Malaysia đã sử dụng trái phiếu đặc biệt để giải quyết nợ xấu. Đây là cách huy động vốn trong trung hạn và ngắn hạn.
Vừa qua chúng tôi có sang Malaysia, họ cũng phát hành trái phiếu đặc biệt và giải quyết nợ xấu từ năm 1998 - 2005. Trái phiếu sẽ giúp VAMC đi vào hoạt động và mua bán, xử lý nợ xấu một cách thuận lợi”, Tổng giám đốc VAMC nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền