Thống đốc Lê Minh Hưng: "Phần lớn nguồn USD trong dân đã chuyển hóa sang VND"

(Dân trí) - Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, trong đó, thặng dư cán cân thanh toán chỉ là một phần, còn phần lớn trong đó là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hóa sang đồng Việt Nam.

Đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối

Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng nay 18/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn đã truyền đạt lại 6 vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN giải trình và có các hướng giải quyết.

Và một trong 6 vấn đề đó là Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực lớn trong dân. Cụ thể, thay vì gửi với lãi suất USD là 0%/năm thì làm sao huy động được nguồn lực này đang nằm trong dân để hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư.

Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Đối với câu chuyện huy động nguồn lực trong nhân dân, nhiều năm vừa qua, các giải pháp điều hành cả về thị trường tiền đồng, ngoại tệ... là tổng thể các giải pháp vĩ mô để đảm bảo sự ổn định và kiểm soát lạm phát. Chính vì nhờ các giải pháp trúng như vậy, huy động nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa ra đồng Việt Nam.


Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, trong đó, thặng dư cán cân thanh toán chỉ là một phần, còn phần lớn trong đó là nguồn ngoại tệ nắm giữ trong dân đã được chuyển hóa sang đồng Việt Nam. Đây là sự chuyển hóa nguồn lực NHNN cho rằng tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện kiểm soát ổn định vĩ mô, không để biến động ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN", Thống đốc nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Lê Minh Hưng cũng cho biết, đối với Đề án chống đô la hóa, vàng hóa, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN vẫn đang khẩn trương lấy ý kiến các Bộ, ngành để tổng hợp; trong đó có các giải pháp rất cụ thể cả về vĩ mô cũng như liên quan đến trách nhiệm của các bộ ngành. NHNN cũng có những giải pháp chuyển hóa các nguồn lực đó đưa vào đầu tư.

Tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng hơn 9%

Khẳng định tại buổi làm việc của Tổ công tác Chính phủ, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định sẽ báo cáo chi tiết, đầy đủ về việc tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế và định hướng sắp tới của NHNN cả 6 vấn đề.

Đề cập tới yêu cầu của Thủ tướng về an toàn thanh toán cũng như hoạt động của hệ thống ATM, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: Trong thời gian vừa qua cũng xảy ra một số sự kiện nhưng số lượng cũng như quy mô giao dịch không lớn nhưng phần cũng ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng đối uy tín của ngân hàng và lợi ích của khách hàng.

NHNN trong phạm vi chức năng, về mặt cơ sở pháp lý đã chủ động ban hành các văn bản tăng cường an toàn hoạt động thanh toán; Chỉ thị riêng về đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán, công nghệ thông tin và các vấn đề liên quan…

“Tăng cường tự kiểm tra và chấp hành việc bảo đảm an toàn; bất luận trong bất kỳ trường hợp nào xảy ra, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động phối hợp với cơ quan chức năng và khách hàng để xử lý trong thời gian sớm nhất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng”, Thống đốc nói.

Về tiếp cận vốn của doanh nghiệp, NHNN quán triệt chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ chỉ đạo các TCTD, tăng cường khả năng tiếp cận vốn, minh bạch công khai cho doanh nghiệp lãi suất, quy định, trình tự tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Đặc biệt, thời gian qua đã ban hành Thông tư 39, có nhiều điểm mới tạo điều kiện cho cả ngân hàng và khách hàng tiếp cận vốn “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và pháp quy”, ông Hưng nói.


Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, đối với Đề án chống đô la hóa, vàng hóa, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN vẫn đang khẩn trương lấy ý kiến các Bộ, ngành để tổng hợp; trong đó có các giải pháp rất cụ thể cả về vĩ mô cũng như liên quan đến trách nhiệm của các bộ ngành.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, đối với Đề án chống đô la hóa, vàng hóa, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN vẫn đang khẩn trương lấy ý kiến các Bộ, ngành để tổng hợp; trong đó có các giải pháp rất cụ thể cả về vĩ mô cũng như liên quan đến trách nhiệm của các bộ ngành.

Về Nghị định 67, NHNN kiến nghị Chính phủ và tổ công tác Báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan đầu mối khẩn trương tổng kết và NHNN trong phạm vi chức năng, thời gian qua đã có những báo cáo đầy đủ về Nghị định 67, những tồn tại, bất cập cũng như kiến nghị về giải pháp.

“Liên quan tới gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng, tôi cho rằng, chủ trương của Chính phủ về nông nghiệp công nghệ cao là rất đúng nhưng cần tính toán kỹ, không ồ ạt theo phong trào, giải quyết những điểm nghẽn một cách tích cực”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc cho biết, hệ thống đã giải ngân gần 33 nghìn tỷ đồng và có một số vấn đề, khó khăn liên quan đến thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng mới nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho các ngân hàng thương mại khi thẩm định các dự án...

Đối với vấn đề sở hữu chéo và cụ thể là câu chuyện của Vietcombank, Thống đốc cho biết, đây không phải là sở hữu chéo mà là nắm giữ cổ phần ở các TCTD khác chưa đáp ứng quy định hiện hành. Trong lộ trình, đề án cơ cấu lại, NHNN đã chủ động chỉ đạo từng TCTD hiện nay nắm giữ cổ phần các TCTD chưa phù hợp với quy định hiện hành và Thông tư 36 cần khẩn trương có lộ trình thoái vốn.

“Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn phụ thuộc vào điều kiện khách quan, diễn biến thị trường cụ thể: tìm đối tác phù hợp; điều kiện về giá trên thị trường những điều này cũng cản trở thoái vốn. Nhưng, chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ trong Đề án của NHNN sẽ làm rất quyết liệt việc thoái vốn của các TCTD để đáp ứng quy định về tỷ lệ an toàn và nắm giữ cổ phần theo quy định”, Thống đốc nhấn mạnh.

Về xử lý nợ xấu, theo Nghị quyết của Chính phủ, NHNN đã đề xuất Chính phủ về lộ trình triển khai Nghị quyết. Cụ thể, báo cáo Thủ tướng xem xét ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Nghị quyết, trong đó, phân công nhiệm vụ rất rõ cho các bộ và các bên có liên quan. Và trong Chỉ thị của Thống đốc NHNN, yêu cầu từng TCTD phải có đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.

“Đây là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ trong năm nay và những năm tới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu cũng như cơ cấu lại hệ thống TCTD theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng”, Thống đốc nói.

Về câu chuyện lãi suất, ông Hưng cho biết, vừa qua NHNN đã có quyết định hạ lãi suất và ngay sau khi các quyết định hạ lãi suất được thi hành các ngân hàng đã triển khai áp dụng.

"Theo báo cáo, đến ngày 30/6/2017, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 9,46%, cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 8,21% và cùng kỳ năm 2015 là tăng 7,6%", ông Hưng nói.

Đặc biệt, Thống đốc cho biết, cơ cấu tín dụng tốt, tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh. Trong đó có một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn mức tăng chung của toàn hệ thống như nông nghiệp nông thôn tăng 9,9%, công nghiệp tăng 10,3%. Những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt thông qua giám sát từ xa, cảnh báo từ xa.

Nguyễn Hiền