Thống đốc: Doanh nghiệp SME cũng cần tự khắc phục những hạn chế

Thảo Thu

(Dân trí) - Việc quyết định lãi suất huy động và cho vay là do các ngân hàng tự quyết. Doanh nghiệp SME cần khắc phục những hạn chế - vấn đề gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay.

Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại buổi làm việc ngày 6/7 giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) về tình hình hoạt động của hiệp hội, cộng đồng SME và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thống đốc thông tin, đến cuối tháng 6 năm nay, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so với năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế).

Trong đó, dư nợ với doanh nghiệp SME đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế.

Ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất

Sau khi nghe ý kiến của doanh nghiệp SME, Thống đốc cho rằng đối với lĩnh vực ngân hàng, các ý kiến xoay quanh 2 vấn đề là lãi suất và tiếp cận tín dụng.

Thống đốc: Doanh nghiệp SME cũng cần tự khắc phục những hạn chế - 1

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: SBV).

Đối với vấn đề lãi suất, Thống đốc cho biết các tổ chức tín dụng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1 điểm % so với cuối năm 2022. "Do chính sách có độ trễ nên các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới", bà Hồng nói.

Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện Luật các Tổ chức tín dụng quy định các đơn vị yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích.

Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định như vậy. Ngân hàng Nhà nước không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản đảm bảo. Thực tế, các ngân hàng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ. 

Nhà điều hành tiền tệ cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và cũng không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn.

"Những vấn đề này hoàn toàn do tổ chức tín dụng tự quy định trong quy trình nội bộ", Thống đốc cho hay.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về tín dụng, lãi suất, các doanh nghiệp thẳng thắn trao đổi những vấn đề đang vướng mắc như không vay được vốn ngân hàng nào, ngân hàng giải thích vì sao không được vay vốn…

Ngân hàng huy động ở tỉnh này lại cho vay ở tỉnh khác?

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng các ngân hàng huy động lãi suất cao nên cho vay lãi suất cao hơn, có ngân hàng huy động ở tỉnh này lại cho vay ở tỉnh khác, doanh nghiệp không vay được của ngân hàng.

Thống đốc: Doanh nghiệp SME cũng cần tự khắc phục những hạn chế - 2

Có ngân hàng huy động ở tỉnh này lại cho vay ở tỉnh khác (Ảnh: Tiến Tuấn).

Với ý kiến này, Thống đốc giải thích, việc quyết định lãi suất huy động và cho vay là do các ngân hàng tự quyết định, trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nếu không vay được ngân hàng tư nhân thì vẫn có lựa chọn vay của các ngân hàng thương mại Nhà nước.

"Hiện nay toàn hệ thống có tới trên 2.000 chi nhánh trên khắp cả nước, các ngân hàng có hiện diện tới tận huyện, Ngân hàng Chính sách Xã hội còn có điểm giao dịch tới tận cấp xã", Thống đốc nhấn mạnh.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng, bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần khắc phục những hạn chế của mình, bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay.

Hiện nay, vấn đề đầu ra của doanh nghiệp gặp khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhưng về phía các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến chất lượng hàng hóa, dịch vụ, khi hàng hóa có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm…, sẽ khuyến khích khách hàng mua hàng của doanh nghiệp.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc khẳng định, thời gian tới tiếp tục phối hợp các bộ, ban ngành để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nói chung và doanh nghiệp SME nói riêng.

Trước đó, nhằm tìm ra nút thắt và giải pháp cho vấn đề vốn cho doanh nghiệp SME, ngày 22/6, báo Dân trí tổ chức tọa đàm trực tuyến "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp SME" .

Tại tọa đàm này, những nút thắt trong việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp SME đã được đưa ra bàn luận. Bên cạnh đó, câu chuyện giải pháp cũng được các diễn giả chia sẻ tương đối cởi mở, thẳng thắn. 

Ngân hàng cho biết sẵn sàng cung ứng vốn, tuy nhiên không hạ chuẩn do ngân hàng cũng là một định chế kinh doanh. Trong khi đó, chuẩn cho vay thì lại dựa trên hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp. Do đó, vấn đề nằm ở 2 phía. Ngoài ra, còn yếu tố khách quan là yếu tố cầu của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn từ chính các doanh nghiệp SME... 

Bên cạnh vốn ngân hàng, các chuyên gia đều cùng kỳ vọng doanh nghiệp có thêm kênh tiếp cận vốn dài hạn, có thể kể đến chứng khoán, trái phiếu, tận dụng được các quỹ hỗ trợ...