Thời trang thu đông: Giữa mùa lạnh vẫn giảm giá sốc

Không chỉ giảm giá đồ trái mùa, các cửa hàng thời trang còn mạnh dạn giảm giá sốc quần áo mùa đông. Dạo quanh thị trường Hà Nội những ngày này băng rôn, biển hiệu quảng cáo giảm giá hàng thu đông giăng kín vỉa hè.

Dù đã thực hiện giảm giá cực sốc nhưng thị trường thời trang thu đông vẫn ảm đạm
Dù đã thực hiện giảm giá cực sốc nhưng thị trường thời trang thu đông vẫn ảm đạm

 

Giảm vẫn giảm, ế vẫn ế

 

Dạo quanh các tuyến phố chuyên bán quần áo như: Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Bà Triệu… băng rôn giảm giá giăng kín các cửa hàng. “Giá rẻ như cho”, “giảm giá sốc”, “độc, đẹp, giá bèo”… là những khẩu hiệu thường thấy.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Ngân hàng, trước khi lên sàn phải “sạch”

Nhật Bản giữ nguyên chương trình bơm tiền kỷ lục cho nền kinh tế

Gói 30.000 tỉ đồng: Ngân hàng phủ nhận gây khó dễ

 

Trên đường Chùa Bộc, hầu như cửa hàng bán quần áo đều giảm giá, xả hàng. Có cửa hàng còn treo biển lớn “Thanh lý toàn bộ cửa hàng”, với mức khuyến mãi chủ yếu 30-70%, hay tặng ngay 1 sản phẩm tự chọn khi mua từ hai sản phẩm trở lên.

 

Tại cửa hàng thời trang Made in Vietnam (Chùa Bộc), nhiều thùng quần áo chất đống với giá chỉ 85.000 đồng. Tuy không nhiều khách nhưng cửa hàng này cũng “túc tắc” bán ra chống ế.

 

Giá tại các cửa hàng thời trang rất đa dạng, từ bình dân đến cao cấp. Thông thường đồ trẻ em dao động quanh mức 40.000 đồng/chiếc; áo nỉ, khoác nhẹ hai lớp dành cho người lớn khoảng 95.000 đồng/chiếc; áo ba lớp dày cho mùa đông khoảng 125.000-250.000 đồng/chiếc...

 

Chị Hà (chủ một shop thời trang trên đường Cầu Giấy) cho hay, làm ăn khó khăn nên cửa hàng phải giảm giá kéo khách. “Mình chấp nhận bán hạ giá để bán được nhiều về số lượng. Mỗi chiếc lãi ít thôi nhưng bán được nhiều mới duy trì được vốn để kinh doanh tiếp”, chị Hà nói.

 

Trong khi đó, chị Linh, chủ shop quần áo HT cho biết: Hàng ế ẩm, khách ít nên treo biển giảm giá để đánh vào tâm lý mua đồ đông vừa được giảm giá mà vừa không phải bon chen thì mới thu hút được khách hàng.

 

Chị Linh cho biết thêm, hàng đã nhập về rồi thì phải tìm cách hạ giá bán cho nhanh để quay vòng vốn.

 

“Giờ chỗ nào cũng khuyến mãi, mình cũng phải theo xu hướng đó để cạnh tranh, bán được hàng”, chị Linh cho biết thêm.

 

Tìm về các đầu mối bán buôn để biết thêm thực trạng đang diễn ra, chị Hằng, một chủ đầu mối bán buôn lớn ở chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm cho biết: Hàng bán được chỉ bằng 1/3 mọi năm. Khách hàng chuyển sang nhập nhiều mẫu khác nhau với số lượng mỗi mẫu rất ít. Thế nên hàng buôn bị xé lẻ ra nhiều, khó bán hơn.

 

Không chỉ những cửa hàng thời trang bình dân ra sức giảm giá, mà tại các thương hiệu thời trang nổi tiếng cũng kích cầu không kém.

 

Một số trung tâm thương mại đã đẩy mạnh kích cầu với chương trình khuyến mãi 10-50%, áp dụng tất cả các mặt hàng với các nhãn hiệu: Vera, Jockey, Minoshe, Levis, Valentino Creations, Jeanwests, Designer Boutique... Theo nhận định của nhiều nhân viên, hàng thời trang chủ yếu bán theo mùa, cuối năm là thời điểm có sức mua mạnh nhất. Kích cầu cuối năm bằng cách giảm giá hay khuyến mãi đã thu hút một khối lượng lớn khách hàng, có thể tăng gấp đôi so với ngày thường. Tuy nhiên, dù đã thực hiện giảm giá cực sốc nhưng thị trường vẫn còn ảm đạm.

 

Tại hệ thống cửa hàng của thương hiệu thời trang Ivy Moda, rất nhiều mẫu quần, áo, váy giảm giá 50-90% nhưng không mấy khách vào thăm.

 

Tại shop thời trang hàng hiệu Cookie-kem trên phố Hàng Lược, nhiều sản phẩm cũng đang giảm giá mạnh. Ví dụ, một chiếc áo sơmi có giá niêm yết là 79USD (tương đương 1.600.000 đồng), được bán với giá 1.099.000 đồng… nhưng vẫn không hút được nhiều người.

 

Thực hư khuyến mãi

 

Không phủ nhận hiệu quả của việc giảm giá, khuyến mãi, tuy nhiên nhiều cửa hàng, shop thời trang cũng nhân cơ hội mượn tiếng khuyến mãi để giảm “giá ảo”. Thậm chí, những sản phẩm có lỗi được tung ra dịp này cũng làm nhiều người nghi ngờ. Không ít khách hàng bị “qua mặt” khi quần áo, kém chất lượng, quần áo xuất xứ từ Trung Quốc trộn lẫn quần áo chính hãng được giảm giá.

 

Các cửa hàng sử dụng chiêu bài tự “đội” giá lên cao rồi treo bảng giảm giá 50% trên giá sản phẩm. “Cao tay” hơn trong chiêu dụ khách hàng, một số cửa hàng treo tấm bảng khá bắt mắt trước cửa hàng: “Thanh lý để trả mặt bằng”, “Thanh lý hàng tồn”… nhằm tránh sự nghi ngờ về chất lượng sản phẩm từ phía khách hàng.

 

Tại một cửa hàng đại hạ giá trên đường Cầu Giấy, chị Minh (Quan Hoa, Cầu Giấy) tìm đỏ mắt không thấy được chiếc áo khoác ưa thích vừa size mình. Chủ cửa hàng cho biết: vì thiếu size nên mới có giá đó.

 

Theo chị Hải - người mua hàng trên đường Thái Hà, hầu hết hàng giảm giá là hàng lỗi, hàng tồn. Những mẫu hàng đẹp thì hầu hết chỉ còn lại một size, rất kén người mặc.

 

“Hàng giảm giá thì cũng phải tốt để người tiêu dùng còn muốn đến mua. Nếu cứ khuyến mãi, giảm giá sốc dởm như thế thì người tiêu dùng cũng chỉ bị một lần rồi họ tránh”, chị Hải bức xúc.

 

Một chiêu bài thường thấy của các cửa hàng thời trang là gắn giá cao hơn giá cũ, rồi tự thỏa thuận miệng với người mua về mức giá mới. Hoặc cửa hàng sẽ gắn hai loại giá tiền lên trên quần áo, một giá cao và giá thấp. Và khách mua sẽ bán theo giá thấp hơn, tuy nhiên thực tế dù bán giá thấp như thế thì đó vẫn là giá “ảo” để “câu” khách hàng, chứ không hề có hạ giá sản phẩm.

 

“Khách hàng bây giờ hầu như cũng biết hết các chiêu này rồi nên dù có giảm sốc đến đâu vẫn vắng khách”, một nhân viên bán hàng trên đường Thụy Khuê cho biết.

 

Các cửa hàng quần áo hiện tại đang tung ra rất nhiều khuyến mãi, giảm giá, xả hàng nhưng dường như tất cả đã bị “nhờn” với khách hàng. Có lẽ trong thời gian tới họ cần có “chiêu trò” hút khách hơn.

 

Theo Thảo Nguyên

Petrotimes
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước