Thời tiết “giết” doanh nghiệp chế biến thủy sản

Đang là mùa cao điểm đánh bắt và biến thủy hải sản nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 1 và số 2 nên có đến trên 90% tàu, thuyền của ngư dân treo lưới. Nguồn nguyên liệu đầu vào vốn đã thiếu nay càng thiếu hơn khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản điêu đứng.

Thời tiết “giết” doanh nghiệp chế biến thủy sản - 1
Doanh nghiệp thủy sản miền Trung đang đau đầu bài toán nguồn nguyên liệu (ảnh minh họa).
 
Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đà Nẵng, hiện trên địa bàn có gần 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản, mỗi ngày cần ít nhất 600 tấn nguyên liệu nhưng sản lượng thực tế hiện không đáng kể.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc ban quản lý và khai thác cảng cá Thọ Quang cho biết, trước đây, mỗi tháng cảng Đà Nẵng có khoảng 700 lượt tàu thuyền ra vào.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 trở lại đây, do liên tục có áp thấp nhiệu đới và bão nên chỉ có khoảng vài ba trăm tàu ra khơi, chủ yếu đánh bắt gần bờ nên lượng hàng hoá qua cảng ước tính chỉ còn hơn 90 - 100 tấn một ngày, giảm một nửa so với trước. Đó là chưa kể do đánh bắt gần bờ nên tỷ lệ hải sản đủ tiêu chuẩn đưa vào chế biến đạt rất thấp.

Ông Nguyễn Điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Procimex Việt Nam cho biết: “10 năm trở lại đây, chưa năm nào lại thiếu nguyên liệu thủy sản trầm trọng như hiện nay. Với công suất hiện có, công ty cần 100 tấn nguyên liệu mỗi ngày nhưng hiện cố gắng lắm cũng chỉ thu mua được khoảng 7 tấn”.

Công ty TNHH Đại Phúc đầu tư nhà xưởng, dây chuyền chế biến trị giá 18 tỷ đồng nhưng trong tháng 6 đầu năm 2010, công ty chỉ mua được 57 tấn nguyên liệu, đủ sản xuất trong 10 ngày.

Hiện có khoảng gần 100 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ở các tỉnh miền Trung rơi vào tình cảnh tương tự. Công ty thương mại tổng hợp Phước Tiến (Quảng Nam) doanh thu xuất khẩu trong một tháng gần đây giảm 50%, chỉ đạt khoảng hai triệu USD khiến hơn 2.000 công nhân của công ty phải nghỉ việc.

Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty thuỷ sản Thuận Phước - Đà Nẵng cho biết thêm, ngoài việc thiếu nguyên liệu thì hiện các doanh nghiệp cũng đang rất đau đầu với hàng loạt phát sinh như phải vay vốn giá cao, cước vận tải biển, điện, nước, xăng dầu, lương công nhân… tăng mạnh. Điều đó khiến giá thành sản phẩm tăng 4 - 5%.

Theo Đoàn Nguyên
Báo Đất Việt