Thời lãi suất trên 10%/năm, gửi tiền ngân hàng nào lợi nhất hiện nay?

(Dân trí) - Ngoại trừ 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank có lãi suất huy động ít thay đổi, còn nhiều ngân hàng tư nhân khác đều có sự điều chỉnh tăng.

Khảo sát trên thị trường tiền tệ cho thấy, để chuẩn bị cho mùa kinh doanh tập trung vào quý III và quý IV, từ đầu tháng 7, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh nâng mức lãi suất tiết kiệm để thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, do quy định trần lãi suất đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, nên việc chạy đua lãi suất của các ngân hàng chủ yếu diễn ra ở các kỳ hạn 6 tháng, 12 - 13 tháng và 24 - 36 tháng. Ngoại trừ 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank có lãi suất huy động ít thay đổi, hầu hết các ngân hàng khác đều có sự điều chỉnh tăng.

Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động có sự phân hóa khá rõ. Theo bảng huy động của TPBank, lãi suất huy động VND kỳ hạn 6 tháng dao động từ 6,8-7%/năm; ABBANK áp dụng mức lãi suất 7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; lãi suất tại VIB ở mức 7,2%/năm. Hay như tại VPBank, với mức tiền dưới 300 triệu đồng, khách hàng gửi kỳ hạn 6 tháng được hưởng mức lãi suất 7,2%/năm...

Thời lãi suất trên 10%/năm, gửi tiền ngân hàng nào lợi nhất hiện nay? - 1

Do quy định trần lãi suất đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, nên việc chạy đua lãi suất của các ngân hàng chủ yếu diễn ra ở các kỳ hạn 6 tháng, 12 - 13 tháng và 24 - 36 tháng (ảnh minh họa).

Biểu lãi suất huy động trong tháng 11 này tại nhiều ngân hàng cho thấy, mức lãi suất cao trên 8%/năm được áp dụng cho kỳ hạn dài. Ví dụ như tại VIB, lãi suất huy động 8%/năm áp dụng cho các kỳ hạn 18-24-36 tháng. Tại Ngân hàng Bản Việt, lãi suất huy động công bố áp dụng ở mức 8,5%/năm đối với kỳ hạn 13-24-36 tháng trở lên...

Đó là những mức lãi suất công khai được các ngân hàng công bố trên bảng lãi suất của mình. Trên thực tế, nhiều khách hàng còn được cộng thêm từ 0,2-0,5% thậm chí lên tới 1%/năm đối với các khoản tiền lớn và kỳ hạn dài.

Đặc biệt, thị trường tồn tại mức lãi suất 10%/năm và trên 10%/năm khi khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi ngân hàng. Theo mời chào từ nhiều ngân hàng, khách hàng cá nhân mua chứng chỉ tiền gửi mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng nếu gửi 24 tháng, lãi suất là 9,5%/năm; gửi 36 tháng lãi suất là 9,8%/năm; 48 tháng lãi suất là 10%/năm; 60 tháng lãi suất là 10,2%/năm.

Việc nhiều ngân hàng huy động với lãi suất cao đã giúp tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng tăng trường đột biến. Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý 3 của 27 ngân hàng, tổng số tiền gửi của khách hàng tại những ngân hàng này đạt hơn 5,7 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm 2019.

Xét về mức tăng trên con số tuyệt đối, Vietcombank là ngân hàng huy động được thêm nhiều tiền gửi của khách hàng nhất trong 9 tháng đầu năm. Cuối tháng 9, tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này vượt mốc 900.000 tỷ đồng, tăng hơn 100.200 tỷ so với hồi đầu năm. Lượng tiền gửi tại BIDV tăng 95.127 tỷ đồng, Sacombank gần 50.000 tỷ đồng, VietinBank gần 40.000 tỷ đồng…

Còn xét về tốc độ tăng trưởng (%), VIB là cái tên đáng chú ý với số tiền gửi của khách hàng đạt 113.717 tỷ đồng, tăng 34% so với đầu năm (riêng trong quý 3 đã tăng tới 15%). Không những vậy, giấy tờ có giá do ngân hàng này phát hành bao gồm chứng chỉ tiền gửi tăng tới 50% lên hơn 15.200 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác có tốc độ tăng trưởng tiền gửi rất cao (trên 20%) có thể kể đến là: VPBank (tăng 20,3%), MSB (tăng 21,7%), NamABank (tăng 20,6%), NCB (tăng 23,7%)… Quan sát cho thấy đây  là những ngân hàng có mức lãi suất huy động cao trên thị trường.

An Hạ