Thời khát vốn, doanh nghiệp "xoay tiền" từ cổ phiếu
(Dân trí) - Mặc dù cả năm 2013 đã có tới 37 doanh nghiệp hủy niêm yết với các lý do như lỗ 3 năm liên tiếp, không thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định hoặc hủy niêm yết tự nguyện để giải thể, song hoạt động huy động vốn vẫn đạt khả quan.
Nhiều doanh nghiệp tăng cường phát hành huy động vốn qua chứng khoán khi nguồn vốn vay ngân hàng trở nên khó khăn.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Italy thiệt hại 60 tỷ euro do thực phẩm nhái thương hiệu Rút ruột lì xì của con mua vàng Vía Thần Tài |
Theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong năm 2013, hoạt động phát hành huy động vốn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhất định so với năm 2012.
Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng giá trị vốn huy động được từ hoạt động chào bán mới chỉ đạt 2.400 tỷ đồng, thì đến hết tháng 9/2013 con số này đã là 14.100 tỷ đồng, gần bằng con số của cả năm 2012 là 14.580 tỷ đồng.
Giá trị tăng trưởng so với năm 2012 tuy không cao nhưng đã cho thấy một dấu hiệu lạc quan trong việc huy động vốn từ chào bán cổ phiếu ra công chúng sau thời gian có dấu hiệu chững lại trước đó.
Sự chuyển biến tích cực của hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng trong năm 2013 có được sau những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế và những giải pháp mạnh mẽ của cơ quan quản lý trong việc củng cố thị trường đã được triển khai từ cuối năm 2012 và bắt đầu có được những kết quả tích cực ngay trong năm 2013.
Trong số các biện pháp tổng thể thì biện pháp tái cấu trúc cơ sở hàng hóa trên TTCK có liên quan trực tiếp đến kết quả của việc huy động vốn từ thị trường. Biện pháp này hướng tới 2 mục tiêu: Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường và tăng cường tính minh bạch trên TTCK.
37 doanh nghiệp bị hủy niêm yết năm 2013
Về tăng cường tính minh bạch của thị trường, ngày 4/5/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 52 hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK. Theo đó, tất cả các công ty đại chúng quy mô lớn đều phải có nghĩa vụ thực hiện CBTT như các công ty niêm yết.
Thông tư 52 cũng bổ sung thêm nhiều nội dung phải CBTT bất thường như hoạt động mua cổ phiếu quỹ, hoạt động chào mua công khai, các ý kiến kiểm toán ngoại trừ, các thông tin về trả cổ tức, chia tách, sáp nhập, các thay đổi về sử dụng vốn. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn niêm yết cũng được nâng cao nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường.
Những tác động của việc thay đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chào bán ra công chúng và niêm yết cổ phiếu đã được thấy rõ.
Trong khi năm 2012, số lượng các doanh nghiệp hủy niêm yết là 21 công ty với các lý do như: lỗ 3 năm liên tiếp, không thực hiện CBTT theo đúng quy định hoặc hủy niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc công ty và để thực hiện giải thể công ty thì trong 6 tháng đầu năm 2013 cũng có tới 21 công ty hủy niêm yết với những lý do tương tự. Tính đến hết năm 2013 đã có 37 doanh nghiệp hủy niêm yết trên cả hai sàn.
Ủy ban cho rằng, kết quả từ những thay đổi này đã góp phần quan trọng nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư vào chất lượng của các cổ phiếu trên thị trường hiện nay. Từ đó, tạo ra sức cầu mới trên thị trường, góp phần vào sự tăng trưởng của hoạt động chào bán và phát hành chứng khoán trong năm 2013.
Huy động vốn từ chào bán riêng lẻ gấp 5 lần 2012
Cùng với sự tăng trưởng của hoạt động chào bán cổ phiếu ra công chúng, giá trị vốn thu được từ việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ của các công ty đại chúng trong năm 2013 cũng tăng trưởng một cách đáng kể. Tổng giá trị của cổ phiếu đăng ký phát hành riêng lẻ theo giá chào bán đạt xấp xỉ 24.000 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2012.
Trong hoạt động chào bán riêng lẻ, các đối tác chiến lược đa phần là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phiếu với số lượng lớn, ví dụ như các trường hợp phát hành của Ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần Công thương Việt Nam, Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Masan, CTCP Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Hùng Vương, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, CTCP Đầu tư quốc tế Viettel.
Điều này cho thấy TTCK Việt Nam tuy đang có những khó khăn nhất định nhưng vẫn có sức hấp dẫn đối với các nhà ĐTNN. Ngoài ra, các đối tác nước ngoài không chỉ tham gia đầu tư vào các công ty niêm yết mà còn ở cả các công ty đại chúng chưa niêm yết, và đây là dấu hiệu đáng mừng cho thị trường tài chính Việt Nam.
Theo đó, với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư lớn trên thế giới với kinh nghiệm và cách thức tổ chức hoạt động bài bản sẽ không chỉ tài trợ nguồn vốn cần thiết mà còn hỗ trợ các công ty đại chúng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, từ đó góp phần xây dựng TTCK hướng đến sự chuyên nghiệp và minh bạch.
Mai Chi