Thoát 10 năm tiền kiểm, thuỷ sản, bàn là, bếp điện được "thả cửa" về Việt Nam

(Dân trí) - Một tin vui đối với nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu Việt Nam là bắt đầu từ ngày 5/10/2017, 114 mặt hàng sẽ không phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu và lưu thông tại Việt Nam sau hơn 10 năm phải chịu các quy định kiểm tra tiền kiểm phức tạp.

Tổng cục Hải quan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 37/2017/QĐ-TTg bãi bỏ Quyết định số 50 (2006) về Danh mục sản phẩm hàng hoá phải kiểm tra chất lượng. Điều này đồng nghĩa với 114 sản phẩm, hàng hoá sẽ được loại bỏ khâu kiểm tra chất lượng đầu vào, trước khi nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam.

Bình, bếp điện đun nước và bàn là được thoát tiền kiểm về chất lượng khi nhập khẩu về Việt Nam
Bình, bếp điện đun nước và bàn là được thoát "tiền kiểm" về chất lượng khi nhập khẩu về Việt Nam

Thẩm quyền, trách nhiệm liên quan đến chất lượng của 114 mặt hàng vẫn phụ thuộc về các bộ như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ GTVT và Bộ Xây Dựng...

Theo Quyết định 50/2006, các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục này phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tại Quyết định số 37/2017, nhiều mặt hàng nhập khẩu về Việt Nam được thoát phải kiểm tra chất lượng đầu vào, đơn cử như: Thức ăn chăn nuôi, mũ bảo hiểm, bình đun nước, bàn là điện, lò vi sóng, nồi nấu cơm điện, quạt điện, đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi hay thuỷ sản và thuỷ sản ăn liền....

Đáng chú ý, một số sản phẩm thuốc nổ và các thiết bị phòng nổ dùng trong khai thác hầm lò, một số sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông Vận tải như cần cẩu, máy xây dựng công trình giao thông, máy kéo, ô tô chở 10 người trở lên…; một số mặt hàng xi măng, dầm bê tông cốt thép; mũ an toàn công nghiệp, găng tay cách điện, nồi hơi, thang máy, thang cuốn… cũng không còn phải kiểm tra chất lượng.

Theo Tổng cục Hải quan, việc loại bỏ danh mục hàng hoá phải kiểm tra chất lượng nhập khẩu và lưu hành sẽ giúp giảm thời gian thông quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Việc quản lý chất lượng các sản phẩm nói trên đều có các luật chuyên ngành và tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam quy định. Các Bộ ban ngành phụ trách đều phải chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm tại thị trường Việt Nam qua công tác hậu kiểm và các chế tài hàng rào kỹ thuật, vệ sinh môi trường của Việt Nam.

Trước đó cuối năm 2016, như Dân Trí đưa tin, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có công văn kiến nghị Thủ tướng phản ánh việc chồng chéo, thiếu thống nhất trong việc kiểm tra chuyên ngành, dẫn đến phát sinh chi phí, mất thời gian của DN.

Cụ thể, một sản phẩm nồi niêu, xoong, chảo chạy điện vì lý do tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải qua Bộ Y tế để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên thiết bị và qua cả Bộ Công Thương để kiểm tra nhãn năng lượng...

Mặt hàng tủ lạnh, tủ làm mát vừa chịu sự kiểm tra hiệu suất năng lượng của Bộ Công Thương vừa chịu sự kiểm tra tiêu chuẩn hợp quy của Bộ Khoa học và Công nghệ; Sản phẩm sữa tươi vừa phải đi kiểm tra an toàn thực phẩm vừa phải đi kiểm dịch động vật... tại Bộ Y tế.

Hiện Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn có phạm vi rộng một mặt hàng chịu nhiều sự quản lý, kiểm tra của nhiều bộ, không thống nhất cùng một hoạt động gây lãng phí thời gian của DN, chi phí đội lên cao do phải trả thêm tiền kiểm định, lưu kho bãi và đền bù hợp đồng, phát sinh tiêu cực xin cho.

Nhiều hàng hóa đã chịu sự quy định của Luật Tiêu chuẩn Việt Nam, có thể thực hiện thông quan và lấy một mẫu đại diện, thực hiện hậu kiểm. Tuy nhiên, những sản phẩm ấy vẫn được nằm trong các quy định kiểm tra chuyên ngành không chỉ của một bộ, mà các bộ liên quan.

Nguyễn Tuyền