Doanh nghiệp kêu khổ, Bộ Tài chính yêu cầu sửa 76 văn bản kiểm tra chuyên ngành

(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ kiến nghị sửa đổi, bổ sung 76 văn bản quy phạm phát luật liên quan đến hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho hay, thực hiện Nghị quyết 19 và Quyết định số 2026 của Thủ tướng về cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Bộ Tài chính nhận định hoạt động quản lý chuyên ngành của các bộ, ban ngành thời gian qua còn nhiều vướng mắc phát sinh, chồng chéo cần được sửa đổi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hàng hóa thông quan nhanh chóng.

Kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang bộ bị yêu cầu sửa đổi theo hướng đơn giảm, nhanh gọn (ảnh minh họa)
Kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang bộ bị yêu cầu sửa đổi theo hướng đơn giảm, nhanh gọn (ảnh minh họa)

Theo đó, Bộ Tài chính nêu rõ thực trạng hiện nhiều bộ quản lý cùng một sản phẩm, nhiều kiểm tra chuyên ngành một sản phẩm, hàng hóa có nội dung như nhau nhưng tồn tại ở nhiều bộ, cơ quan ngang bộ. Thời gian kiểm tra quản lý chuyên ngành kéo dài, cản trở cho thủ tục thông quan, thoát lưu dòng hàng hóa.

Theo yêu cầu và kiến nghị của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương là hai cơ quan có số văn bản kiểm tra chuyên ngành bị yêu cầu sửa đổi nhiều nhất lần lượt là 28 và 12 văn bản.

Các bộ như Y tế, Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ lần lượt có từ 6 - 9 văn bản kiểm tra chuyên ngành được yêu cầu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương: Cải cách môi trường kinh doanh, chuyển hoạt động tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thời gian thông quan, thời gian nộp thuế và các thủ tục hành chính liên quan cho hàng hóa.

Trong đó đáng chú ý là Thông tư số 29 của Bộ Công Thương về quy định quản lý chất lượng phân bón vô cơ, Bộ Tài chính cho biết, trong các quy định của pháp luật, phân bón vô cơ đã được quy định là mặt hàng nhóm 2, bắt buộc phải kiểm tra trước kh thông quan. Tuy nhiên, tại Thông tư trên, Bộ Công Thương tiếp tục quy định bắt buộc phải kiểm tra, như vậy chồng lấn 2 lần kiểm tra, chưa phù hợp, cần điều chỉnh

Đối với kiểm tra chuyên ngành với những hàng hóa sản phẩm có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính cho hay, trong quá trình thực hiện thấy nhiều nhóm hàng chỉ phải kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng có độ rủi ro thấp, trong khi quy định quản lý cả chất lượng hàng hóa. Trong trường hợp này, Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, các hàng hóa chỉ kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm có độ rủi ro thấp đề nghị kiểm tra sau khi đã thông quan (hậu kiểm).

Bên cạnh yêu cầu các Bộ, ban ngành sửa đổi các văn bản kiểm tra trong quyền hạn của mình, Bộ Tài chính cũng yêu cầu duy trì hoạt động của 10 điểm kiểm tra chuyên ngành chung của Hệ thống một cửa quốc gia nhằm kiểm tra chuyên ngành tập trung, nhanh gọn cho DN.

Khi 10 điểm kiểm tra chuyên ngành hoạt động, đề nghị bãi bỏ các địa điểm kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ban ngành hoạt động kém hiệu quả, lãng phí và phát sinh thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Trên thực tế, hoạt động kiểm tra chuyên ngành là thủ tục hành chính được thực hiện bởi các Bộ, ban ngành đối với hàng hóa trong lĩnh vực quản lý riêng. Việc này đã và đang được thực hiện góp phần quản lý chuyên môn về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu hoặc xuất khẩu...

Tuy nhiên, quy định kiểm tra chuyên ngành hiện cũng phát sinh nhiều vấn đề trong đó là tăng thời gian thông quan, lưu kho bãi của nhiều hàng hóa không nhất thiết phải kiểm tra chuyên ngành. Nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành chồng chéo với quy định kiểm tra của các cơ quan hải quan, quản lý xuất nhập khẩu dẫn đến kiểm tra nhiều lần. Hiện tượng tiền kiểm phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, tạo cơ chế xin cho, cản trở chủ trương giảm thời gian thông quan hải quan, chi phí cho DN của Chính phủ - một trong những tiêu chí để cải thiện năng lực sản xuất và môi trường kinh doanh.

Nguyễn Tuyền