1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thỏa thuận giá cột chưa xong, nhà mạng lại bị cắt cáp?

(Dân trí) - Khi liên Bộ chưa đưa ra phán quyết cuối cùng để kết thúc cuộc tranh cãi kéo dài giữa các doanh nghiệp (DN) viễn thông với Tập đoàn điện lực VN (EVN) thì dân tiếp tục tố khổ vì bị cắt liên lạc. Nhà mạng thì cho rằng đã bị ngành điện cắt cáp.

Nhiều hộ dân ở đường Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình bức xúc cho biết đã bị cắt liên lạc bằng điện thoại cố định từ 6 - 7 ngày nay. Theo phản ánh của một số người dân ở khu vực này, những ngày trước đó, hàng loạt cáp viễn thông nằm trên cột điện đã bị cắt bỏ.
 
Trước phản ánh của những người dân, viễn thông Hà Nội cho biết họ đang tiến hành khắc phục sự cố. Dù vậy, nhà mạng cũng không bỏ qua cơ hội “tố” người của ngành điện lực thường xuyên cắt cáp viễn thông một cách vô cớ như vậy.
 
Thỏa thuận giá cột chưa xong, nhà mạng lại bị cắt cáp? - 1
Hai "ông lớn" VNPT và EVN vẫn tiếp tục bất hoà. (Ảnh minh hoạ)
 
Tuy nhiên, đại diện EVN phủ nhận cáo buộc này và cho rằng không đơn phương cắt cáp của DN viễn thông.
 
Phía nhà điện cũng không quên trần tình: từ lâu nhân viên ngành thường xuyên phải dọn dẹp “rác” - tức cáp viễn thông vô thừa nhận hoặc cáp không đạt tiêu chuẩn. Cùng đó, tình trạng quá tải cáp viễn thông ở các cột điện đã gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến người dân nên buộc phải tháo dỡ bớt?!
 
Trong năm 2009, VNPT đã từng gửi văn bản “kêu cứu” lên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, báo cáo bị ngành điện cắt cáp viễn thông ở nhiều tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau… do chưa chấp thuận mức giá thuê cột điện mới do EVN đưa ra.
 
Sự việc căng thẳng đến mức, Bộ Công Thương phải gửi công văn đến EVN yêu cầu dừng việc cắt cáp của DN viễn thông. Cùng đó, liên Bộ phải vào cuộc yêu cầu EVN và các DN viễn thông một lần nữa tiến hành hiệp thương về giá thuê cột điện.
 
Tuy nhiên, mọi tháo gỡ về mặt “tình cảm” mà các Bộ đưa ra đều không có kết quả. EVN và VNPT (đơn vị thuê cột nhiều nhất) nhất quyết bảo vệ quan điểm của mình. Một bên nhất mực không chấp nhận giá thuê mới và cho rằng đó là mức giá đắt vô lý. Bên kia cương quyết khẳng định giá mới không thể hợp lý hơn!
 
Sau ngày 28/2 (thời hạn chót để các DN hiệp thương), các Bộ đã phải cử chuyên gia bắt đầu tiến hành khảo sát nhằm áp giá cứng đối với vấn đề thuê cột điện.
 
Chiều 17/3, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ viễn thông cho biết: Hiện chuyên gia của liên Bộ đang độc lập tiến hành xác định giá thuê cột để xác định mức giá chuẩn (đã được tính toán đầy đủ chi phí ban đầu, lực lượng tham gia vận hành, khấu hao…) từ đó sẽ đưa ra kết luận mức giá được chuyên gia tính toán, xác định cao hay thấp so với giá thành hiện tại mà EVN đang áp dụng. Sau đó, đoàn chuyên gia sẽ gửi kết luận, đồng thời kiến nghị liên Bộ nên dùng ngay giá đó (giá do chuyên gia tính toán) hay áp dụng từng bước.
 
“Vấn đề quan trọng khác là Bộ Công thương đang chủ trì phối hợp cùng với đại diện Bộ TT&TT, Bộ Tài chính soạn thảo dự thảo quy định về sử chung chung hạ tầng, trong đó có cột điện. Dự kiến đầu quý 3, Thông tư sẽ được ban hành. Khi đã có luật thì hạ tầng dùng chung sẽ theo nguyên tắc ưu tiên bình ổn xã hội, chứ không bảo vệ quyền lợi riêng của mỗi DN”- ông Hải cho biết.
 
Chủ trương của liên Bộ đã rõ, nhưng DN viễn thông thì không muốn dừng kinh doanh để chờ áp luật. VNPT và Vietell đã bắt tay nhau cùng chi hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hệ thống cột riêng để nâng cấp hạ tầng. Về vấn đề này, ông Hải khẳng định: “Bộ không can thiệp!”
 
Phạm Thanh