Thịt lợn “đắt xắt ra miếng”, Dabaco báo lãi gấp 53 lần

Mai Chi

(Dân trí) - Dabaco đã chính thức báo lãi quý 2/2020 cao gấp 53 lần cùng kỳ với con số trên 401 tỷ đồng. Theo đó, cổ phiếu DBC của Dabaco tiếp tục “gây sốt” bất chấp thị trường suy yếu.

Thịt lợn “đắt xắt ra miếng”, Dabaco báo lãi gấp 53 lần - 1

Dabaco hưởng lợi từ giá thịt lợn

Cổ phiếu DBC của Dabaco là một trong những mã có diễn biến tích cực nhất trong phiên sáng. Mã này tăng mạnh 2.200 đồng lên mức giá 52.000 đồng và được khớp lệnh 2,34 triệu đơn vị.

Dabaco vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 với doanh thu đạt 2.290 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cao gấp 53 lần cùng kỳ lên con số trên 401 tỷ đồng.

Lãnh đạo Dabaco cho biết, quý 2/2020, ngành chăn nuôi nói chung có sự hồi phục tốt, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi trong toàn tập đoàn này hoạt động có hiệu quả cao.

Cùng kỳ năm 2019, ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lan rộng trên tất cả các tỉnh thành của cả nước.

Mặt khác, trong quý 2/2020, Dabaco có một số dự án hoàn thành đưa vào sản xuất như Nhà máy dầu thực vật Dabaco, Nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, Khu chăn nuôi gà giống và Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước… đã đóng góp đáng kể vào hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của tập đoàn này.

Thịt lợn “đắt xắt ra miếng”, Dabaco báo lãi gấp 53 lần - 2

(Đơn vị: Tỷ đồng)

Công bố báo cáo về kinh tế vĩ mô trong ngày hôm qua (21/7), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, do dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn nên giá các mặt hàng thực phẩm vẫn khó mà giảm trong thời gian tới.

Trước đó, với tác động của giá thịt lợn tăng mạnh, chỉ số giá nhóm thực phẩm đã tăng tới 15,86% so với cùng kỳ trong tháng 6 vừa qua. Ông Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của VEPR gọi đây là lạm phát “lợn đẩy”.

Về thị trường chứng khoán, đà tăng được thiết lập đầu phiên sáng nay đã không được VN-Index duy trì lâu. Chỉ số này đuổi dần vào nửa cuối phiên sáng 22/7 và đang tạm đóng cửa với mức giảm 0,11 điểm tương ứng 0,01% còn 861,58 điểm.

Trong khi đó, HNX-Index lại dùng dằng quanh ngưỡng tham chiếu và hiện ghi nhận mất 0,35 điểm tương ứng 0,3% còn 115,74 điểm. UPCoM-Index ngược lại đạt tăng 0,28 điểm tương ứng 0,49% lên 57,64 điểm.

Dòng tiền yếu là một trong những nguyên nhân khiến các chỉ số trên thị trường không thể bứt phá.

Trên HSX, khối lượng giao dịch chỉ đạt 162,1 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 2.243,08 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 18,77 triệu cổ phiếu tương ứng 192,72 tỷ đồng và trên UPCoM là 17,13 triệu cổ phiếu tương ứng 199,28 tỷ đồng.

Nhịp độ giao dịch trên thị trường khá buồn tẻ. Thống kê cho thấy vẫn còn tới 952 mã không hề có giao dịch nào xảy ra. Trong khi đó, độ rộng thị trường lại nghiêng nhẹ về phía các mã giảm với 309 mã giảm, 27 mã giảm sàn so với 269 mã tăng, 33 mã tăng trần.

Tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đang xảy ra tình trạng phân hoá nhẹ. Thị trường vẫn chưa tránh khỏi áp lực do tình trạng giảm diễn ra tại VNM, VHM, BID, GAS…

Ngược lại, có những mã lớn khác đang mang lại hi vọng cho thị trường như SAB tăng 1.200 đồng lên 191.500 đồng/cổ phiếu, VRE tăng lên 27.100 đồng, BHN tăng lên 53.000 đồng, MWG tăng lên 84.000 đồng, MSN tăng lên 55.000 đồng, VIC tăng lên 90.400 đồng. NVL, HPG, REE, HVN, HDB… cũng đều tăng giá.

Về triển vọng phiên giao dịch hôm nay, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, thị trường chứng khoán đang đi trong biên độ hẹp và cũng chưa có điều đáng ngại với tình hình hiện nay. Do vậy nhà đầu tư có thể xem xét lướt sóng các cổ phiếu trong danh mục của mình khi thị trường đang giằng co để hạ giá vốn.

Còn Chứng khoán BIDV (BSC) lại nhận xét, độ rộng thị trường ở trạng thái tương đối cân bằng cho thấy xu hướng mua bán giằng co trong thời điểm hiện tại.

Nhóm phân tích dự báo, VN-Index có khả năng vẫn dao động trong biên độ hẹp tại khu vực 855-865 điểm trước khi khối lượng giao dịch tăng trở lại.