1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thiếu tiền mặt trầm trọng, người dân Afghanistan xếp hàng dài chờ rút tiền

(Dân trí) - Thiếu tiền mặt trầm trọng, Afghanistan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Điều này có thể châm ngòi một cuộc di cư tị nạn lớn.

Một cuộc khủng hoảng tiền mặt đã làm tê liệt nền kinh tế vốn đã yếu ớt của Afghanistan chỉ vài tuần sau khi toàn bộ binh lính Mỹ rời khỏi nước này.

Hạn chế rút tiền mặt ở ngân hàng

Với tình hình nguồn cung tiền bị thắt chặt cũng như các hạn chế biên giới và sự cô lập quốc tế ngày càng tăng, người lao động nước này buộc phải chịu cảnh không được trả lương, các công ty địa phương phải đóng cửa và ngân hàng hạn chế các yêu cầu rút tiền.

Thiếu tiền mặt trầm trọng, người dân Afghanistan xếp hàng dài chờ rút tiền - 1
Người dân Afghanistan xếp hàng bên ngoài một ngân hàng ở Kabul hồi tháng 9 (Ảnh: Reuters).

Afghanistan đang đứng trước nguy cơ bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài khi các nhà mạng đang phải vật lộn để trả tiền cho bên cung cấp. Đáng lo ngại hơn, tình trạng thiếu lương thực đang ngày càng trầm trọng, khiến chi phí các mặt hàng thiết yếu tăng cao, tạo tiền đề cho một cuộc khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng nhân đạo lớn.

Trong suốt 20 năm qua, nền kinh tế Afghanistan chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế. Đồng USD cùng với đồng nội tệ - afghani - được sử dụng thường xuyên để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu, cũng như các giao dịch lớn như mua nhà hoặc trả học phí.

Ông Shah Mehrabi - thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, hiện đang ở Mỹ - ước tính rằng đồng USD chiếm khoảng 2/3 số tiền gửi trong hệ thống ngân hàng và chiếm một nửa tất cả các khoản cho vay.

"Đô la hóa vẫn rất phổ biến ở Afghanistan và nền kinh tế của chúng tôi phụ thuộc vào nó", ông nói.

Hiện Mỹ và nhiều nước chưa công nhận Taliban là chính quyền hợp pháp ở Afghanistan. Các nhà cầm quyền mới của Afghanistan mất ngay 9 tỷ USD dự trữ trong ngân hàng trung ương sau khi bị Mỹ đóng băng tài sản vào giữa tháng 8. Các quốc gia khác tiếp nối sau động thái từ Mỹ. Nguồn viện trợ từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho Afghanistan cũng đang bị giữ lại.

Để bảo toàn số tiền dự trữ ít ỏi còn lại, chính quyền Taliban đã sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn, bao gồm cả việc cấm người Afghanistan mang USD ra khỏi đất nước, hạn chế mức rút tiền ở ngân hàng xuống còn 200 USD/ tuần.

"Tiền mặt đã hoàn toàn biến mất"

Ở Kabul, một số người dân đang mang đồ nội thất và đồ gia dụng khác ra các chợ trời để có thêm tiền mặt.

Thiếu tiền mặt trầm trọng, người dân Afghanistan xếp hàng dài chờ rút tiền - 2

Một chợ trời ngoài trời dựng tạm cung cấp thực phẩm và các mặt hàng cơ bản ở Kabul (Ảnh: Bloomberg).

Ahmad Khesrow Zia - cựu Giám đốc điều hành của Bank-e-Millie Afghanistan - ngân hàng lâu đời nhất của quốc gia này và hiện là giáo sư kinh tế tại một trường Đại học ở Kabul - cho biết: "Cuộc khủng hoảng thanh khoản đang ngày càng tồi tệ và nhiều ngân hàng không thể trả tiền cho người gửi".

Theo Ngân hàng Thế giới và Phòng Thương mại của Afghanistan, sau khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này đã phát triển mạnh mẽ và củng cố vai trò của mình trong nền kinh tế trị giá 20 tỷ USD của Afghanistan. Nhưng hiện nay, họ đang đứng trước nguy cơ phá sản.

"Nếu những doanh nghiệp này sụp đổ, nền kinh tế của cả nước sẽ sụp đổ", Khanjan Alokozay - thành viên cấp cao của Phòng Thương mại Afghanistan - nói và cho biết thêm một số doanh nghiệp đã đang tạm ngừng hoạt động do thiếu tiền mặt.

Haleem Gul - thợ sửa xe ở Kabul - cho biết hầu như không khách hàng nào của anh có tiền để sửa xe.

"Tiền mặt đã hoàn toàn biến mất", Jawed Mehri - chủ một nhà máy sản xuất thảm ở phía bắc thành phố Mazar-e-Sharif - nói và cho biết ông phải tạm dừng hoạt động vì không có tiền mặt để trả lương.

"Các giới hạn rút tiền có thể giúp các ngân hàng hoạt động trong một thời gian, nhưng nó sẽ giết chết công việc kinh doanh của chúng tôi và có thể là việc kinh doanh của tất cả mọi người", ông nói.

Một báo cáo do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố vào tháng trước cho biết trong trường hợp xấu nhất, GDP của Afghanistan có thể giảm 13,2% trong năm tài chính tới tháng 6/2022, khiến gần như toàn bộ 38 triệu dân (khoảng 72% dân số năm 2020) rơi vào cảnh nghèo đói.

Abdallah Al Dardari - đại diện thường trú của UNDP tại Afghanistan - cho biết: "Đây thực sự là một tình huống nghiêm trọng. Sự sụp đổ của nền kinh tế đất nước không còn là chuyện tương lai mà là hiện thực ngay lúc này".

Báo cáo của UNDP cũng cảnh báo rằng tình trạng mất an ninh lương thực đang "gia tăng một cách đáng lo ngại" do sản lượng giảm, giá thành tăng và nhập khẩu bị hạn chế.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Kabul, giá một số mặt hàng chủ lực như gạo, dầu ăn và bột mì đã tăng tới 30% kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Tổ chức Y tế Thế giới gần đây cũng cảnh báo rằng chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đang đi xuống do tiền viện trợ bị cắt giảm.

Thiếu tiền mặt trầm trọng, người dân Afghanistan xếp hàng dài chờ rút tiền - 3
Một nơi đổi tiền ở Kabul (Ảnh: Reuters).

Chính phủ không đủ tiền để trả lương

Chính quyền Taliban không hề tránh né hay hạ thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình. Bilal Karimi, một phát ngôn viên của Taliban, nói với Bloomberg News rằng: "Nếu các quỹ công vẫn bị đóng băng hoặc viện trợ vẫn bị cắt, đất nước có thể sẽ phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, khiến các công ty trong nước phá sản và người dân thất nghiệp".

Theo ông Karimi, Taliban đã không thể trả lương cho chính phủ kể từ khi nắm quyền kiểm soát. "Nhân viên của chúng tôi tại Bộ Tài chính đang làm việc ngày đêm", ông nói và cho biết thêm các nhân viên cấp thấp hơn có thể được nhận lương "trong tương lai gần", trong khi những nhân viên cấp cao đang nhận lương bằng đồng USD có thể sẽ phải nhận lương thấp hơn đáng kể.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, ông Karimi cho biết sắp có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tiền mặt, nhưng "vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật" và không cung cấp thêm chi tiết nào.

Taliban trước đó cho biết doanh thu từ thuế hải quan đủ để trả lương cho khu vực công. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ bao nhiêu tiền có thể huy động từ các nguồn thu khác, bao gồm khai thác khoáng sản và thuế, để Taliban không phải quay lại với các hoạt động huy động tài chính trước đây như bắt cóc tống tiền, sản xuất và buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Theo một báo cáo từ tháng 6 của Liên Hợp Quốc, ma túy đá và thuốc làm từ cây thuốc phiện là "nguồn thu nhập duy nhất và lớn nhất của Taliban". Khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid hứa rằng chính quyền mới sẽ không biến Afghanistan thành một quốc gia ma túy.

Các tổ chức quốc tế và chính phủ đã bắt đầu viện trợ trở lại, một phần vì muốn ngăn chặn một cuộc di cư ồ ạt của người tị nạn Afghanistan. Trong tháng 9, Liên Hợp Quốc đã công bố viện trợ khẩn cấp 1,2 tỷ USD, trong khi Mỹ bãi bỏ các lệnh trừng phạt dành cho các tổ chức nhân đạo. Trung Quốc cũng sẽ viện trợ khẩn cấp 31 triệu USD.

Nhưng điều này sẽ chỉ khiến quốc gia này trở nên phụ thuộc hơn khi khoảng 75% chi tiêu công đã dựa vào viện trợ bên ngoài trong những năm gần đây.

Bismillah Zakeri - người đã rời khỏi vị trí quản lý tại Bộ Giáo dục nước này trước khi chính quyền Kabul sụp đổ - đang thanh lý đồ đạc của gia đình trên đường phố để lấy tiền mua thực phẩm và chuẩn bị cho chuyến hành trình sang nước láng giềng Pakistan. "Chúng tôi đang làm mọi thứ để tồn tại", ông nói.