Thiếu nước, sợ vỡ đường ống, Viwaco "từ chối" khách hàng mới
Lý do mà Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwaco) đưa ra để từ chối, hạn chế phát triển khách mới là do trong mùa hè này sản lượng nước sử dụng tăng cao trong khi lượng nước và áp lực nước sạch sông Đà về Hà Nội có giới hạn.
Mất tiền mua nước nhưng bị làm khó đủ điều
Mỗi khi mùa hè đến, người dân Thủ đô lại lo ngại về khả năng thiếu nước sinh hoạt, nhất là nguy cơ vỡ đường ống nước sông Đà vẫn hiện hữu sau 20 lần vỡ đường ống trước đây. Trong khi đó, Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwaco)- đơn vị kinh doanh nước sạch cho hàng nghìn người dân ở khu vực phía Tây Nam Thủ đô vẫn “ăn nên làm ra”, thậm chí bán hàng theo kiểu phân phối, xin cho.
Mới đây, Cty CP Viwaco đã ra thông báo về việc hạn chế phát triển khách hàng mới gửi đến người dân, các cơ quan đơn vị trên địa bàn mà cty đang phục vụ. Lý do từ chối, hạn chế khách mới là trong mùa hè, sản lượng nước sử dụng tăng cao trong khi lượng nước và áp lực nước cấp có giới hạn. Một cán bộ của Viwaco cho biết, trên thực tế đơn vị đang cung cấp nước cho trên 150.000 khách hàng với địa bàn rộng, nhưng thực tế nguồn nước cấp với công suất, áp lực không đảm bảo nên buộc phải hạn chế phát triển khách hàng mới trong mùa hè này.
Giữa mùa hè nắng nóng, Viwaco ra thông báo hạn chế cung cấp nước cho khách hàng mới
Theo hợp đồng ký kết với khách hàng mua nước, quy định rõ nghĩa vụ của các Cty kinh doanh nước sạch đảm bảo việc cung ứng nước sạch và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định, đồng thời thực hiện các biện pháp để duy trì và cải thiện điều kiện cấp nước. Thế nhưng trên thực tế, dù phải mất tiền, khách hàng vẫn bị gây khó dễ, thậm chí những khách hàng lớn phải mua nước theo kiểu ban phát, xin cho.
Đơn cử, trong giải pháp mà phía doanh nghiệp kinh doanh nước đưa ra là xây dựng các trạm tăng áp nhằm đảm bảo ổn định nguồn nước trước việc công suất, áp lực nước cung cấp theo thỏa thuận không đạt thì khách hàng cũng bị thua thiệt.
“Về nguyên tắc hợp đồng, họ kinh doanh bán nước thì phải đảm bảo nguồn nước cho khách hàng. Việc lắp đặt các trạm bơm tăng áp nhằm hỗ trợ cho việc công suất, áp lực nước cung cấp theo thỏa thuận không đạt thì đáng ra họ phải bỏ tiền để đầu tư nhưng đằng này các khu chung cư cao tầng mua nước của Viwaco cũng phải bỏ tiền ra để cùng họ đầu tư các trạm tăng áp. Khi chúng tôi thắc mắc họ bảo muốn đủ nước dùng thì phải đóng góp mà số tiền này không phải nhỏ, từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng”, đại diện một chủ đầu tư khu chung cư cao tầng ở quận Hoàng Mai tiết lộ.
Dân khát, doanh nghiệp “ngồi mát ăn bát vàng”
Công ty CP Viwaco tiền thân là Cty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch, thành lập ngày 17/3/2005, vốn điều lệ ban đầu của Viwaco là 40 tỷ đồng.
Khi dự án đường ống nước sông Đà về Hà Nội đi vào vận hành, thì từ ngày 01/04/2009, Viwaco đã chính thức tiếp nhận địa bàn kinh doanh nước sạch một địa bàn rộng lớn là khu vực Tây Nam Hà Nội từ Công ty Nước sạch Hà Nội.
Theo báo cáo tài chính tại Đại hội cổ đông vừa qua, Viwaco đã nâng vốn điều lệ lên thành 80 tỷ đồng và cơ cấu sở hữu cũng có nhiều thay đổi. Một số cổ đông lớn của Viwaco có Cty CP Đầu tư và Phát triển sinh thái. Đặc biệt, báo cáo tài chính cho thấy doanh nghiệp này đang có doanh thu “khủng”. Trong năm 2016 tổng doanh thu của Cty này trên 515 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 90 tỷ đồng, còn tiền đầu tư là 112,8 tỷ đồng. Kế hoạch đề ra trong năm nay dù doanh thu và lợi nhuận giảm hơn so năm 2016 nhưng số tiền bỏ vào đầu tư lại tăng “khủng” trên 324 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chi trả cổ tức ở mức 30%.
Theo Hải Đăng
Tiền Phong