Thiếu gia ba mươi nắm vận mệnh “tập đoàn gia đình”

Rất nhiều DN gia đình thành công được truyền từ đời ông cha cho tới đời con cháu. Trong số đó, nhiều DN đang trong quá trình chuyển giao thế hệ, lớp đi trước đã giao vận mệnh cả tập đoàn gia đình vào tay những người tuổi còn rất trẻ.

Rục rịch chuyển giao

 

Nền kinh tế Việt Nam đổi mới đã được khoảng 25 năm. Đây là quãng thời gian xấp xỉ với một đời kinh doanh của các doanh nhân. Do vậy, đây cũng là thời điểm mà vấn đề chuyển giao sang cho thế hệ kế tiếp được đề cập đến rất nhiều.

 

Tại đại hội cổ đông ACB mới đây, ông trùm ngân hàng Trần Mộng Hùng người sáng lập và lãnh đạo ACB trong nhiều năm đã đã không trở lại nắm giữ vị trí cao nhất. Thay vào đó, con trai Trần Hùng Huy chính thức giữ vị trí chủ tịch. .

 

Trước đó, nhiều NĐT cho rằng, sau vụ khủng hoảng "bầu Kiên", ông Trần Mộng Hùng sẽ trở lại trực tiếp quản trị ACB. Việc chọn ông Hùng Huy, tuy-còn trẻ nhưng đã có kinh nghiệm làm ở nhiều vị trí khác nhau tại chính tổ chức tín dụng này.

 

Ông Hùng Huy đã có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, được hậu thuẫn từ cha và chớp được cơ hội khi mà những rối ren, sai phạm tại ACB bị phanh phui. Cỗ máy ACB dưới sự lèo lái của doanh nhân 35 tuổi Hùng Huy dường như đang đi theo hướng mà ông Trần Mộng Hùng đã xác lập trong thời kỳ đầu của ngân hàng này.

 

Cuộc chuyển giao thế hệ trong gia đình doanh nhân Trần Mộng Hùng có vẻ xuôi ở những bước đi đầu tiên.

 

Trong năm 2012, một số đại gia có thực lực mạnh đã mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của gia đình mình, đồng thời trao quyền cho con cái ở nhiều DN.

 

Gia đình ông Trầm Bê có lẽ nổi tiếng không kém nhà ông Mộng Hùng. Sự chuyển giao quyền quản trị sang các con cái cũng được đại gia này thực hiện một cách bài bản.

 

Tính cho tới thời điểm này, ông Trầm Trọng Ngân, con trai trưởng ông Trầm Bê, là Phó chủ tịch HĐQT thường trực Southernbank, Tổng Giám đốc của Công ty Sơn Sơn. Bên cạnh đó, ông Ngân đang nắm giữ hơn 54,7 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank, tương đương tỷ lệ gần 4,8%.

 

Hai người con khác của ông Trầm Bê cũng đang dần nắm giữ các vị trí quan trọng tại nhiều đơn vị. Ông Trầm Khải Hòa (1988) hiện là thành viên HĐQT Sacombank; Trầm Thuyết Kiều (1983) là phó TGĐ Southernbank.
 
Thiếu gia ba mươi nắm vận mệnh “tập đoàn gia đình”

 

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (LSS) cũng đang dẫn dắt các con nắm giữ những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Hiện tại, người con trai thứ 2 của ông Tam là ông Lê Thanh Tùng đang là Phó chủ tịch HĐQT Mía đường Lam Sơn. Một người con khác của ông là Lê Trung Thành cũng đang nắm giữ một tỷ lệ cổ phiếu khá lớn tại LSS.

 

Nhựa Tân Đại Hưng gần đây cũng gây xôn xao khi công ty do gia đình ông Phạm Trung Cang, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ làm chủ đã bổ nhiệm bà Phạm Đỗ Diễm Hương (con gái ông Cang), 24 tuổi lên làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

 

Nhiều người con cũng đang cùng với cha mẹ gánh vác công việc của doanh nghiệp như con ông Đoàn Quốc Việt (BIM Group) là Đoàn Quốc Huy; con gái ông Trần Quý Thanh (Tân Hiệp Phát) là Trần Uyên Phương; con trai bà Nguyễn Thị Mai Thanh (REE) là Nguyễn Ngọc Thái Bình; con gái bà Cao Thị Ngọc Dung - chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Trần Phương Ngọc Giao...

 

Chờ con lớn để giao quyền

 

Trong top 10 gia đình giàu nhất trên TTCK bao gồm gia đình ông Phạm Nhật Vượng (VIC), ông Nguyễn Đăng Quang (MSN), ông Đoàn Nguyên Đức (HAG), ông Hồ Hùng Anh (MSN), ông Trần Đình Long (HPG), bà Phạm Thúy Hằng (VIC), ông Đỗ Duy Thái (POM), ông Lê Phước Vũ (HSG), ông Trần Mộng Hùng (ACB) và ông Trầm Bê (STB) hiện có tài sản rất lớn lên tới hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ. Nhưng hầu hết các doanh nhân thuộc tốp đầu đều còn khá trẻ. Trong danh sách nói trên, ngoại trừ 3 gia đình ông Mộng Hùng, ông Trầm Bê, ông Duy Thái, các đại gia còn lại đều có con còn nhỏ và chưa có sự chuyển giao thế hệ kinh doanh.

 

Tuy vậy, ccác đại gia lèo lái doanh nghiệp còn khá trẻ nhưng có lẽ việc chuyển giao khối tài sản không lồ cho thế hệ F2 là vấn đề mà không ít người đã tính tới.

 

Việc chuyển giao cho ai, cho con cháu hay người ngoài để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu đàn này phát triển hơn nữa, không chỉ trong nước mà vươn ra thế giới là điều chắc hẳn nhiều doanh nhân đã suy nghĩ. Đây không chỉ là sự nghiệp giai đình mà cũng là quyền lợi của nhiều cổ đông gắn bó với DN.

 

Sự thất bại trong quá trình chuyển giao quyền lực tại Tập đoàn FPT với sự quay trở lại bất đắc dĩ của các gương mặt sáng lập DN, ông Trương Gia Bình và ông Bùi Quang Ngọc có lẽ là một ví dụ để các đại gia, các ông chủ của các doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân lớn xem xét để có những tính toán dài hơi cho vấn đề này.

 

Quyết định chuyển giao cho ai nhiều khi rất khó khăn. Nhiều doanh nhân cho rằng, họ không nhất thiết phải chuyển quyền quản trị doanh nghiệp lại cho con cái nếu không đủ tin tưởng. Mặc dù vậy, nhìn chung đa phần các doanh nghiệp "gia đình trị" đều có xu hướng cha truyền con nối.

 

Đến nay, nhiều doanh nhân trẻ thế hệ 2, 3 nối nghiệp thành công vai trò điều hành doanh nghiệp do ông cha để lại nhưng cũng có không ít người gặp khó khăn, gặp những cú sốc do sự nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ. Tuy nhiên, giới đầu tư nhiều người vẫn hy vọng vào lớp trẻ "nhà nòi" nhiều tham vọng này tiếp tục đưa DN phát triển.

 

Theo Mạnh Hà

VEF