Những doanh nghiệp “gia đình trị” nổi tiếng ở Việt Nam
Cho dù còn nhiều điều phải bàn về mô hình DN gia đình nhưng những đóng góp của nhiều gia đình doanh nhân Việt Nam cho sự phát triển kinh tế nước nhà là không thể phủ nhận. Không ít doanh nhân và gia đình đã để lại dấu ấn rất lớn trong lịch sử và hiện đại.
Những gia đình kinh doanh nổi tiếng
Đầu thế kỷ 20, ông Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ đã phát triển nghề buôn của cha mẹ, làm nên một cơ nghiệp rất lớn. Ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ được biết đến là chủ tiệm vải Phúc Lợi tại Hà Nội chuyên bán buôn tơ, lụa, vài vóc khắp Đông Dương và là một trong những gia đình giàu nhất thời bấy giờ. Bên cạnh ông Bô, nhiều người trong gia đình họ hàng của ông cũng đã trở thành những doanh nhân thành đạt tại Việt Nam giữa thế kỷ 20.
Cũng thuộc lớp doanh nhân Việt đầu tiên, bà Trần Thị Hường (Tư Hường) cùng gia đình đã gây dựng lên khá nhiều tên tuổi nổi tiếng như DNcó quy mô vốn 6.000 tỷ đồng Hoàn Cầu là đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ Thế giới - Miss Universe 2008, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, Ngân hàng Nam Á, khu nghỉ dưỡng Diamond Bay.
DN nhà bà Tư Hường đã phát triển rất mạnh mẽ cùng với sự đổi mới của đất nước với sự hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, trồng rừng, khu đô thị, du lịch, cao ốc, văn phòng, khách sạn, resort, khu thương mại...
Trong khi đó, DN của gia đình ông Đỗ Minh Phú, chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, chủ tịch HĐQT Tienphong Bank là một trường hợp gắn bó với những người "ruột thịt" rất cao.
Đây là một điển hình kiểu mẫu của một đại gia đình 3 đời làm kinh doanh và đều là những nhân vật nổi tiếng. Bố ông Phú là cụ Đỗ Thế Sử là một trong những sáng lập viên Công ty tiền thân của Tập đoàn DOJI. Cụ có rất nhiều người con cháu làm doanh nhân như ông Phú (DOJI), Đỗ Anh Tú (TGĐ Diana, Phó chủ tịch HĐQT của Tiên phong Bank)...
Doanh nghiệp của gia đình ông Võ Quốc Thắng cũng là một trường hợp rất nổi tiếng. Bản thân ông Thắng là một doanh nhân khá đặc biệt bởi khả năng làm việc có một không hai của ông. Ông đảm nhận rất nhiều vai trò như đại biểu quốc hội, ông bầu bóng đá, chủ tịch VPF, chủ tịch hội doanh nhân trẻ TP.HCM, chru tịch hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam và là chủ tịch và TGĐ của một loạt các doanh nghiệp.
Ông chủ mới của Ngân hàng Kiên Long này đã phát triển Đồng Tâm thành một tập đoàn hàng đầu trên cả nước từ hãng gạch của gia đình do cha ông là Võ Thành Lân xây dựng lên từ năm 1965 và giờ đây đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như BĐS, khu công nghiệp, chứng khoán, ngân hàng.
Các trường hợp Xuân Thành, Thành Thành Công, Sơn Sơn, Kinh Đô, Biti's, Tân Hiệp Phát, Quốc Cường, Geleximco...gắn liền với các tên tuổi gia đình ông Nguyễn Xuân Thành, Đặng Văn Thành, Trầm Bê, Trần Kim Thành, Vưu Khải Thành, Trần Quí Thanh, bà Nguyễn Thị Loan, Vũ Văn Tiền.
Thân quen dễ tin
Trong vài năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế đã xuất hiện nhiều DN, tập đoàn kinh doanh mang đậm tính chất gia đình. Trong các thảo luận gần đây, đa số các chuyên gia đều đánh giá cao những đóng góp quan trọng của các gia đình doanh nhân, nhìn nhận vai trò to lớn của các doanh nghiệp này cho sự phát triển của nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia còn cho rằng, DN kiểu gia đình trị giúp hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh được nâng cao lên, DN phát triển ổn định và đây cũng là môi trường để tạo ra những lớp doanh nhân thế hệ kế tiếp.
Nếu như trước đây, các gia đình doanh nhân giàu có là cái nôi che chở cán bộ cách mạng thì lớp tiếp bước ngày nay lại có những đóng góp theo cách khác như tham gia vào chính trường, hỗ trợ các đoàn thể, hiệp hội, vận động tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn, hay tham gia làm từ thiện, các hoạt động xã hội...
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số người vẫn còn nhiều lo ngại. Theo đó, mô hình doanh nghiệp gia đình có thể khiến tư duy quản trị lạc hậu, chậm phát triển. Nỗ lực duy trì truyền thống quản trị từ đời ông sang đời cha con có thể khiến cho DN có thể không bứt phá đi lên do không thu hút được nhân tài bên ngoài công ty.
Thực tế, theo một khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, nếu quản trị DN thuần túy theo kiểu gia đình sẽ khó tồn tại, chỉ chưa đến 10% theo mô hình này vững bền sau ba thế hệ. Mặc dù vậy, mô hình doanh nghiệp gia đình vẫn khá phổ biến ở Việt Nam và cả trên thế giới.
Ông Phạm Đình Đoàn, thành viên Hội đồng Doanh nhân gia đình Việt Nam cho biết, khoảng 100 công ty gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước. Trên thế giới, số lượng công ty gia đình cũng chiếm một phần rất lớn.
Trong vài năm gần đây, các DN gia đình lớn mạnh cũng rất nhanh. Nhiều doanh nghiệp đang trên đà phát triển như vũ bão nhưng thế hệ doanh nhân cũ cũng đã già, nhiều doanh nhân bước sang tuổi "xưa nay hiếm". Việc đào tạo thế hệ doanh nhân trẻ tiếp quản các DN thay thế các lão doanh nhân trở nên cần thiết. Việc chuyển giao cho ai và như thế nào sẽ quyết định tới sự phát triển bền vững của DN.
Theo Mạnh Hà
VEF