1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trung Quốc:

Công ty gia đình sắp hết thời vì giới trẻ... chê quyền thừa kế

(Dân trí) - Thời của các công ty cha truyền con nối tại Trung Quốc dường như sắp kết thúc khi ngày càng nhiều con cái của các doanh nhân nước này không mặn mà chuyện thừa kế. Thay vào đó họ lại thấy thích thú hơn với cuộc sống tự do hoặc ra nước ngoài.

Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Zong Qinghou và con gái
Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Zong Qinghou và con gái

Dai Yintao, 21 tuổi, là con trai duy nhất của một triệu phú sở hữu các công ty bất động sản, dược phẩm và khai thác mỏ. Nhưng cậu không hề hứng thú với việc tiếp quản hoạt động kinh doanh của cha mà lại lựa chọn làm việc tại một công trường xây dựng tại thành phố Qúy Dương, tỉnh Quý Châu. Hàng ngày Dai đi làm trên chiếc xe sang hiệu Porsche.

“Tôi làm việc ở đây bởi tôi không muốn nhận tiền từ cha mình. Tự do là tất cả”, Dai tuyên bố.

Khi thế hệ các doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc bước vào tuổi nghỉ hưu, hơn 3 triệu công ty tư nhân của nước này sẽ phải đối diện với vấn đề người kế vị trong vòng 3 – 8 năm tới, dữ liệu của Học viện khoa học xã hội Trung Quốc cho biết.

Tất nhiên đây không phải vấn đề duy nhất tại Trung Quốc, nhưng nó đem đến những rủi ro đặc biệt đáng ngại ở một đất nước mà số lượng những nhà quản lý chuyên nghiệp rất thiếu, còn các gia đình không thoải mái với việc thuê người ngoài, bởi họ lo ngại sẽ bị mất quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Các vụ sáp nhập trong nước cũng như sự tham gia của các quỹ đầu tư tư nhân cũng hiếm, khiến các doanh nhân thế hệ đầu tiên có ít lựa chọn cho việc rút lui.

Theo hãng nghiên cứu tài sản Wealth-X, quy mô các doanh nghiệp do các doanh nhân thế hệ đầu tại Trung Quốc điều hành vào khoảng 611 tỷ USD, do đó, bất kỳ cuộc khủng hoảng người kế vị nào nếu xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng tới một động lực tăng trưởng then chốt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Nếu tòan bộ các công ty của một nước có vấn đề về người kế nhiệm cùng trong một thời điểm, nó có thể gây rủi ro hệ thống cho nước đó”, Joseph Fan, giáo sư tài chính tại đại học Hồng Kông, người đã nghiên cứu vấn đề này cảnh báo. “Vấn đề kế nhiệm khi được xử lý một cách yếu kém có thể gây tổn hại kinh tế quốc gia”.

Những cơ hội tốt hơn

Hầu hết các gia đình Trung Quốc chỉ có một con và nhiều người trong số này được đưa đi du học nước ngoài. Sau khi học xong, họ ít hứng thú với việc kinh doanh của gia đình mà lại thích những cơ hội nghề nghiệp có tiềm năng lớn hơn.

“Thế hệ tiếp theo thường thấy được những cơ hội tốt hơn so với trở về điều hành hoạt động kinh doanh của gia đình, do đó sự kế thừa là một trong những vấn đề”, Roger King, giám đốc tại trung tâm nghiên cứu doanh nhân và doanh nghiệp gia đình châu Á Tanoto, thuộc đại học khoa học công nghệ Hồng Kông nhận định.

Han Lulu, 29 tuổi, từng học ngành thời trang tại Canada và Italia, ban đầu cũng không thích thú tham gia vào chuỗi nhà hàng tại Thượng Hải của cha, nhưng cô nhận thấy cô có thể áp dụng các kỹ năng của mình vào ngành thực phẩm, đó là thiết kế các loại đĩa.

“Chỉ trong vòng 2 năm gần đây, tôi bắt đầu nghĩ rằng thực phẩm và thời trang đều có gắn với phong cách, do đó tôi cảm thấy ít tách biệt hơn khỏi lĩnh vực kinh doanh thực phẩm”, Han, người tốt nghiệp từ học viện Marangoni tại Milan cho biết. Dù vậy cô vẫn chưa thấy sẵn sàng đảm nhiệm công ty của gia đình với 7 nhà hàng và hơn 500 nhân viên.

Sự chuyển giao thế hệ

Quá trình cải cách kinh tế nhanh chóng tại Trung Quốc trong vòng 3 thập niên qua đã tạo ra những thay đổi xã hội và kinh tế khổng lồ, khiến thế hệ ngày nay có những cơ hội mà cha mẹ họ chưa từng có.

“Sự thay đổi trong xã hội…giữa thế hệ thứ nhất và thứ hai liên quan tới các giá trị và phong cách là cực kỳ lớn”, Jean Lee, giám đốc trung tâm di sản gia đình Kaifeng thuộc trường kinh doanh quốc tế châu Âu tại Trung Quốc nói. “Ở những ngành truyền thống, nhiều công ty đang có nguy cơ đóng cửa vì không ai muốn tiếp quản”.

Các công ty gia đình có vài trò then chốt tới kinh tế Trung Quốc, đóng góp gần 40% trong số 762 doanh nghiệp tư nhân niêm yết trong nước. Tại các khu vực như vành đai sản xuất phía Đông Nam của tỉnh Chiết Giang, các doanh nghiệp gia đình ở đây sản xuất ra mọi thứ, từ giày tới áo phông, bật lửa…

Theo Liên đoàn công thương toàn Trung Quốc, nước này có hơn 10 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp tới 60% GDP. Đến cuối năm 2011, hơn 80% doanh nghiệp tư nhân được xác định là các công ty gia đình.

Tầm quan trọng của các doanh nghiệp này đối với kinh tế Trung Quốc cho thấy sự chuyển giao các doanh nghiệp gia đình sẽ được các nhà đầu tư cũng như chính trị gia theo sát. Mối lo lắng lớn nhất của giới học giả lúc này đó là những người quản lý chuyên nghiệp sẽ vẫn không phải lựa chọn trong một thời gian nữa.

Trước mắt, Liu Fang vẫn là một trong những bà chủ may mắn hơn những người khác. Con trai bà, Gong Chen, đã chấp nhận tiếp quản công ty làm đẹp Fangzi với 56 salon khắp Trung Quốc sau khi du học tại Anh và về làm việc tại đây 8 năm. “Ban đầu tôi chỉ muốn giúp đỡ bố mẹ, nhưng sau đó một cảm giác phải có trách nhiệm lớn dần lên trong tôi”.

Thanh Tùng
Theo CNBC