Thiết lập "hành lang xanh" khôi phục thị trường hàng không nội địa

(Dân trí) - Mục tiêu của "hành lang xanh" là đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại các cảng hàng không, tạo niềm tin cho hành khách, phục hồi đi lại bằng đường hàng không trong trạng thái bình thường mới.

Theo đại diện Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), "hành lang xanh" cấu thành từ quy trình "con người xanh" là nhân viên hàng không, hành khách; "phương tiện, hạ tầng xanh" là sân bay, máy bay, xe buýt; "quy trình xanh" là các hướng dẫn giảm thiểu tiếp xúc, tuân thủ quy trình phòng dịch.

Đây là tài liệu khung định hướng các biện pháp an toàn sức khỏe để giảm thiểu rủi ro Covid-19 trong ngành hàng không, được xây dựng dựa trên các hướng dẫn của Bộ Y tế và Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO).

Khung chương trình "hành lang xanh" nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại các cảng hàng không, tạo niềm tin cho hành khách, phục hồi đi lại bằng đường hàng không trong trạng thái bình thường mới.

Thiết lập hành lang xanh khôi phục thị trường hàng không nội địa - 1

Ngành hàng không sẽ dần khôi phục thị trường khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội (Ảnh: Tiến Tuấn).

Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành hàng không cũng cho biết đã thống nhất việc nghiên cứu, đóng góp hoàn thiện "hành lang xanh" dựa trên tài liệu khung định hướng các biện pháp an toàn sức khỏe để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh Covid-19 trong ngành hàng không.

Các hãng hàng không chủ trì xây dựng các tiêu chí cho hành khách xanh, máy bay xanh, phương tiện xanh, quy trình xanh. ACV chủ trì xây dựng các tiêu chí hạ tầng xanh, quy trình khai thác xanh.

"Hành lang xanh" được ngành hàng không coi là cơ sở cụ thể để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và các Bộ, ngành xem xét, chỉ đạo việc khôi phục khai thác nội địa trên toàn mạng, từng bước mở các chuyến bay quốc tế.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 áp dụng thí điểm 2 tuần sau khi kế hoạch được ban hành. Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng bay không vượt quá 50% so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4 của hãng hàng không đó. 

Giai đoạn 2 là áp dụng 2 tuần tiếp theo của giai đoạn 1, tần suất với từng hãng không vượt quá 70% so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4 của hãng hàng không đó.

Giai đoạn 3 là áp dụng tiếp theo giai đoạn 2 nếu không có thông báo khác của Cục Hàng không Việt Nam. Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá so với thời điểm tuần đầu tiên tháng 4 của hãng hàng không đó và được khai thác theo nhu cầu hãng hàng không khi toàn bộ địa phương tại Việt Nam dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo các giai đoạn, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất điều kiện để khách được bay là phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Khách đi máy bay phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát…