Thiên Hương lên tiếng khi mì bị thu hồi vì chứa chất cấm ở Na Uy

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đại diện Thiên Hương cho biết sản phẩm bị thu hồi thực hiện gia công theo đơn đặt hàng của đối tác tại Na Uy, không bán trong nước. Toàn bộ sản phẩm được gia công nghiêm ngặt theo yêu cầu.

Trao đổi với Dân trí ngày 30/8, đại diện Công ty Thiên Hương cho biết, sản phẩm bị thu hồi có tên là "Dried noodles with chicken anh beef spices" (Mì khô vị bò gà).

Đây là sản phẩm mà công ty thực hiện gia công theo đơn đặt hàng của đối tác tại Na Uy, không bán trong nước, toàn bộ sản phẩm được gia công nghiêm ngặt theo yêu cầu đối tác, phía Thiên Hương khẳng định.

Thiên Hương lên tiếng khi mì bị thu hồi vì chứa chất cấm ở Na Uy - 1

Mì bị thu hồi của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương ở thị trường Na Uy.

Đại diện công ty này cũng cho biết nguồn nguyên liệu để sản xuất sản phẩm trên từ trong nước, nhập khẩu và đối tác cung cấp. "Chúng tôi khẳng định và cam kết quy trình sản xuất cho tất cả các sản phẩm đều tuân thủ tiêu chuẩn và không sử dụng ETO (ethylene oxide) trong bất kỳ khâu nào", ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch Thiên Hương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, công ty này vẫn đang tiến hành kiểm tra, sàng lọc, phân tích và đánh giá trên diện rộng ở tất cả các khâu nguyên liệu, thiết bị, quy trình gia công sản xuất cũng như tiến hành kiểm chứng thông tin sản phẩm gia công tại thị trường Na Uy.

Được biết, phía Thiên Hương đã có báo cáo sơ bộ gửi phía Bộ Công Thương, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM. Ngoài ra công ty này cũng đã yêu cầu đối tác phía Na Uy cung cấp thêm chi tiết về vụ việc này.

"Chúng tôi không làm sản phẩm này cho thị trường nội địa. Chúng tôi gia công theo tiêu chuẩn của họ và không sử dụng chất này cho bất kỳ công đoạn nào. Do dịch bệnh nên thông tin có phần chậm trễ, chúng tôi mong nhận được sự thông cảm", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Vị này khẳng định khi có đầy đủ các thông tin về nguyên nhân, cũng như chất lượng sản phẩm, công ty sẽ công bố đầy đủ thông tin đến người tiêu dùng.

Trước đó, ngày 28/8, lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương cho biết ngay khi nhận được thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam về cảnh báo của Liên minh châu Âu (EU) đối với sản phẩm mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương, Bộ Công Thương đã hỏa tốc đề nghị Công ty này khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất sản phẩm mì khô vị bò gà.

Mục đích là đánh giá sự xuất hiện chất ethylene oxide trong sản phẩm. Đây là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế.

Để có cơ sở xác minh làm rõ thông tin, Bộ Công Thương tiếp tục đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM thực hiện ngay một số nội dung quan trọng.
Cụ thể, Cục Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của Công ty Cổ phần thực phẩm Thiên Hương; khẩn trương thực hiện việc lấy mẫu để kiểm nghiệm chỉ tiêu ethylene oxide đối với một số sản phẩm Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương đang được lưu thông trên thị trường Việt Nam, đặc biệt lưu ý đối với sản phẩm mì khô vị bò gà.

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Việt Nam và phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công Thương cũng đang xác minh thông tin liên quan đến cảnh báo về sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good của Acecook. Trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu từ các đơn vị chuyên môn, Bộ sẽ có thông báo chính thức tới các cơ quan truyền thông báo chí, trên tinh thần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

Theo Luật An toàn thực phẩm Việt Nam, sản xuất thực phẩm là hoạt động kinh doanh có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.