Thị trường vốn: người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra

Trong khi các ngân hàng thừa thãi vốn, tiền loanh quanh trong hệ thống, thì các doanh nghiệp, nhất là khối vừa và nhỏ rơi vào tình trạng: khát vốn.

Theo bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến 20/8, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,3% so với ngày 31/12/2011. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,4%, và tổng số dư tiền gửi tại các nhà băng tăng 11,23%.

 

Thị trường vốn: người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra
Tổng số dư tiền gửi tăng hơn 11% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 1,4%. Tiền đang loanh quanh trong hệ thống ngân hàng.

 

Người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra

 

Đại diện hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, ông Đoàn Trọng Lý băn khoăn, trong khi các doanh nghiệp đang cần vốn để sản xuất nhưng không tiếp cận được thì ngân hàng lại thừa thãi vốn. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ, theo ông Lý là chưa đi vào cuộc sống, khiến nhiều doanh nghiệp bên bờ vực phá sản.

 

Lấy ví dụ từ ngành thức ăn chăn nuôi, hiện chi phí giá thành sản xuất một ký thịt heo dao động 45.000 – 50.000 đồng/kg, song giá bán chỉ từ 40.000 – 42.000 đồng/kg. Nếu không có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chắc chắn sẽ có nhiều người chăn nuôi bỏ chuồng và giá thực phẩm cuối năm có thể tăng gấp đôi.

 

Ông Lý kể thêm một doanh nghiệp trong hiệp hội, giá trị tài sản thế chấp trị giá 130 tỉ đồng, nhưng chỉ được vay vốn 30 tỉ đồng, muốn đầu tư tiếp thì không có tiền, trong khi các ngân hàng thì ứ vốn.

 

Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc tập đoàn thể thao Động Lực Nguyễn Văn Thành cho biết, trong 25 năm sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thể thao, chưa bao giờ doanh nghiệp rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay: doanh thu xuất khẩu rơi về con số 0; công nhân buộc phải nghỉ việc nhiều, trong đó có những người đã gắn bó với doanh nghiệp tới mười mấy năm.

 

Một trong những lý do thua lỗ, theo ông Thành là lãi suất vay vốn quá cao. “Các nước trong khu vực, lãi suất vay vốn chỉ 4 – 5%. Doanh nghiệp trở nên ốm yếu vì chịu lãi suất cao, nhiều trường hợp bị ngân hàng thu hồi dẫn tới chết tức tưởi. Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội hiện đã chết gần hết rồi”, ông Thành chia sẻ.

 

Chia sẻ những băn khoăn, bức xúc của doanh nghiệp, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Đại Lai, nguyên phó viện trưởng viện Chiến lược phát triển ngân hàng cho rằng: “Tôi khẳng định vốn ngân hàng huy động không nằm im trong két mà chảy tá lả đi theo mô hình của một công ty tài chính thay vì cho doanh nghiệp vay”.

 

Cụ thể, ông Lai phân tích: có tình trạng ông chủ nhà băng đang công ty tài chính hoá ngân hàng của mình. Do đó, có một số khả năng chuyển động của dòng tiền chảy: theo các nhóm lợi ích; đổ vào các công cụ tài chính như trái phiếu doanh nghiệp; chảy loanh quanh ở thị trường 2 giữa các ngân hàng với nhau. Thậm chí, có khả năng các ngân hàng đang đầu tư vào một số việc khác như một công ty tài chính dù vốn điều lệ gấp hai, ba lần vốn tối thiểu theo quy định.

 

Nền tài chính chụp giựt

 

Chủ tịch HĐQT Động Lực cho rằng, nền tài chính hiện nay đang rất “chụp giựt”, mỗi tháng lại diễn biến một kiểu cho vay, như vậy ai dám đầu tư? Nhiều ngân hàng cứ công bố giảm lãi suất cho vay vốn, nhưng thực tế vẫn rất cao, hoặc tỷ trọng món vay lãi suất thấp rất nhỏ. Ông Thành dẫn chứng: “Như chúng tôi vay vốn để xuất khẩu mà vẫn phải trả lãi suất 13,5%/năm”.

 

Chia sẻ với lãnh đạo công ty Động Lực, luật sư Trần Vũ Hải, văn phòng luật sư Trần Vũ Hải cho biết, trong quá trình giúp các ngân hàng tiến hành thanh lý tài sản tại các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, ông cảm nhận “đau thương lắm”.

 

Ông Hải nhận xét: bản thân các ngân hàng còn chiếm dụng vốn của nhau, chây ì với khoản nợ…, nên họ không mặn mà cho vay doanh nghiệp là đúng thôi.

 

Mặt khác ông Hải cho rằng, tại nhiều ngân hàng, vấn đề của họ còn lớn hơn vấn đề của doanh nghiệp, và rõ ràng là nền tài chính của chúng ta đang có vấn đề! Do vậy, các doanh nghiệp cũng đừng quá kỳ vọng, từ nay đến cuối năm có thể giải quyết được vấn đề vốn vay, thay vào đó phải làm sao gây sức ép để các ngân hàng phải thay đổi quản trị, điều hành theo hướng minh bạch, lành mạnh.

 

Chẳng hạn, lãnh đạo các ngân hàng phải cam kết không cho vay nội bộ, công ty sân sau, như thế mới còn vốn mà đến tay các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Luật đã quy định rõ nội dung này, nhưng không có cơ chế giám sát, đạo đức kinh doanh cũng bị coi nhẹ”, ông Hải nhận xét.

 

Ông Hải cũng gợi ý, ngân hàng Nhà nước tại các địa phương có thể tổ chức hội chợ ngân hàng, các doanh nghiệp cũng tham gia, chào phương án kinh doanh và lãnh đạo ngân hàng có thể xét duyệt ngay tại đó. “Điều này thể hiện mối quan hệ sòng phẳng, công bằng và minh bạch giữa ngân hàng – doanh nghiệp”, ông Hải giải thích.

 

Theo Thảo Nguyễn

SGTT