Cập nhật tình hình ngân hàng tháng 3:
Thị trường vốn có nhiều dấu hiệu biến động
Dịp đầu năm, cùng với việc nhiều cơ hội sản xuất kinh doanh mở ra với các cá nhân và hộ gia đình thì vấn đề nguồn vốn lại trở thành một bài toán hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, thị trường vốn liên tục đón nhận nhiều thay đổi.
Trong khi lãi suất có dấu hiệu đi lên thì thông tư mới quy định về việc các hộ kinh doanh không còn tư cách vay vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh càng khiến nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đứng ngồi không yên. Đâu là thực tế của vấn đề này?
Lãi suất thị trường có dấu hiệu đi lên
Những ngày gần đây, các ngân hàng liên tục tung ra thị trường các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dài với mức lãi suất rất cao. Lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng bất ngờ tăng nhanh, có nơi phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9,2%/năm.
Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này xuất phát từ những khó khăn trong việc huy động vốn VND tại các kỳ hạn trung và dài hạn khi nhiều ngân hàng đang gần chạm trần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Bên cạnh đó, kênh huy động vốn của ngân hàng hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho tổ chức của các công ty tài chính với mức lãi suất hiện đã lên tới 11%.
TS.LS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, nhận định “Lãi suất huy động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là tại các kỳ hạn trung và dài hạn. Còn về lãi suất cho vay, hiện đã bắt đầu có dấu hiệu nhích lên. Theo thông tin tôi được biết, nhiều hợp đồng vay vốn của cá nhân đã bị áp dụng lãi suất lên tới 12,5-13%/năm, tăng từ 0,5-1% so với trước đây. Với mức lãi suất huy động như hiện nay, nếu để thị trường tự điều tiết, lãi suất cho vay có thể tăng thêm 2-4%/năm trong năm nay. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có chính sách can thiệp, mức tăng có thể sẽ thấp hơn, vào khoảng 1-2%/năm.”
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 39 về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân để phù hợp với Bộ luật này. Như vậy, từ ngày 15/3/2017, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn. Lo lắng về việc lãi suất vay theo diện cá nhân sẽ được tính như vay tiêu dùng khiến không ít hộ kinh doanh đứng ngồi không yên, nhất là trong bối cảnh lãi suất thị trường có dấu hiệu đi lên.
Tuy nhiên, theo ý kiến của giới phân tích, quy định của Thông tư 39 chỉ đơn thuần điều chỉnh lại để làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Việc bỏ chủ thể vay vốn hộ gia đình, hộ kinh doanh chỉ là thay đổi hình thức tên gọi. Lãi suất vay do tổ chức tín dụng quyết định tùy thuộc vào mục đích vay vốn (kinh doanh hay tiêu dùng), thời hạn vay, mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án vay vốn, chi phí đầu vào của từng tổ chức tín dụng; thông thường không phụ thuộc vào tư cách vay vốn là hộ kinh doanh hay cá nhân.
Theo khảo sát sơ bộ, sau nửa tháng áp dụng thông tư này, tình hình vay vốn sản xuất kinh doanh của các mô hình nhỏ lẻ vẫn không gặp nhiều trở ngại. Với tư cách cá nhân, chủ các hộ kinh doanh nếu tìm hiểu kỹ các gói vay hỗ trợ của ngân hàng vần có thể tìm được nguồn vốn với lãi suất thấp. Điển hình như gói vay ưu đãi với tổng ngân sách lên đến 15.000 tỷ đồng của BIDV hỗ trợ đặc biệt cho cá nhân và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh. Theo chương trình này, đến 30/06/2017, khách hàng vay vốn tại BIDV với mục đích sản xuất kinh doanh có thể lựa chọn linh hoạt các gói vay khác nhau, lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm đối với các khoản vay dưới 06 tháng và từ 6.8%/năm đối với các khoản vay từ 06 tháng đến 11 tháng (lãi suất thực tế áp dụng theo từng chi nhánh). Điều đáng lưu ý là, với gói vay ưu đãi này của BIDV, các cá nhân chủ hộ kinh doanh vẫn được vay với lãi suất ưu đãi, không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng. Đây sẽ là cơ hội tốt cho nhiều cá nhân và hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh dịp đầu năm mới.
P. Mai