Thị trường vàng: “Nhiều rủi ro, chưa vững giá”

(Dân trí) - Vàng trong nước dao động ở mức từ 47 - 48 triệu đồng/lương, giới phân tích cho rằng trong bối vàng thế giới có nhiều biến động thì đây là phản ánh trung thực về thị trường còn khá nhiều rủi ro và chưa vững.

Giá chững, sức mua giảm

Vào thời điểm hiện nay vàng được cho là đang chững giá, nhưng theo ghi nhận của PV Dân trí tại một số thương hiệu vàng lớn tại Hà Nội cho thấy lượng người mua lại giảm so với những phiên tăng cao.

Ông Trần Bình Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty Tài chính Đại Long lý giải: “Tình trạng người dân đổ xô mua theo nhau đã đẩy giá lên mức hơn 49 triệu đồng/lượng sau đó lại đua nhau bán khiến giá vàng rớt mạnh, vì vậy ở thời điểm này giới đầu tư vàng đang có tâm lý sợ giá sẽ còn rớt mạnh hơn nữa nên chùn tay mua vào, giới đầu cơ cũng không dám mạnh tay để “khua” vàng, làm giá.

Còn nhớ đợt vàng tăng giá cao điểm tới hơn 49 triệu đồng/lượng, nhiều người đã lãi lớn, nhiều người khác lại nghĩ mình không may mắn vì không kịp chốt lời, nhưng tôi cho rằng việc bán ra hay giữ lại đều được, vì vàng cơ hội chốt lời vẫn còn nhiều”.
 
Thị trường vàng: “Nhiều rủi ro, chưa vững giá” - 1
Vàng chững giá nhưng lượng người mua vào giảm so với những phiên chốt giá cao

Tính trung bình trong tuần giá vàng trong nước đã giảm khoảng 400 nghìn đồng/lượng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã có sự cải thiện, giá ngang bằng với thế giới, thậm chí có lúc rẻ hơn.

Chuyện mua vàng ăn thua theo tâm lý đám đông không có gì là lạ, bởi vậy khi những nhà đầu tư lớn tạm dừng bước để thăm dò, ngóng giá thị trường thì hầu hết những “lái buôn” không chuyên cũng bắt chước ngừng mua.

Đại diện một thương hiệu vàng lớn tại Hà Nội cho biết: “Những ngày gần đây, người mua vẫn nhiều hơn bán, nhưng điểm đáng chú ý là số lượng mua không lớn và hầu hết các nhà đầu tư lớn đều tỏ ra im hơi lặng tiếng. Dù giá thế giới tăng nhưng tâm lý của giới đầu tư nhỏ lẻ trong nước lại không “máu” mua vào như trước, họ đến hiệu vàng chủ yếu để ngóng giá trong nước vọt lên, nếu thấy có dấu hiệu mua vào nhiều thì chắc chắn sẽ lại ồ ạt mua vào ăn theo”.

Có ý kiến cho rằng cầm vàng trong tay là rủ ro bởi với diễn biến như hiện nay thì không biết đâu là đỉnh giá để chốt lời. Tuy nhiên, ở thời điểm này ông Trần Bình Minh cho rằng thị trường thế giới nhiều rủi ro hơn trong nước.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế độc lập Lê Văn Hinh phân tích: “Giới đầu tư đang tỏ ra khá khôn ngoan, họ chọn cách “nằm chờ” khi thấy giá vàng thế giới và Việt Nam gần đây lên xuống mạnh, bởi rõ ràng sự biến động hiện nay đang phản ánh thị trường còn khá nhiều rủi ro và chưa vững.

Vàng trong nước phụ thuộc vào thế giới và rất nhậy cảm với diến biến vĩ mô, vi mô như liệu có gói QE3 hay tương tự như vậy của Mỹ có hay không khi Tổng thống Mỹ có những phát biểu hàm ý về gói hỗ trợ việc làm trị giá 300 triệu USD và vấn đề ECB có hỗ trợ Hy Lạp vừa đạt được thỏa thuận sau nhiều lần Đức phản đối”.

Theo ông Hinh, những quan ngại gần đây về chiến tranh, bất ổn trong dài hạn vẫn còn như chiến tranh ở Libia, vấn nạn khủng bố và hệ quả của chính sách bơm tiền trên toàn thế giới có lẽ là lý do về giá vàng ở mức cao trên dưới 1.800 trong trung hạn (thay vì 1.500-1600 USD/ozunce như trước đây).

“Vàng sắp tăng giá mạnh”

Về xu hướng giá, mặc dù vàng đang trong đà giảm nhưng giới phân tích vẫn kỳ vọng giá vàng sẽ sớm lập kỷ lục mới trước những bất ổn ngày một tệ hơn đối với tình trạng nợ công ở châu Âu. Các phân tích cho thấy giá vàng lên 2.000 USD/ozunce là cao.
 
Thị trường vàng: “Nhiều rủi ro, chưa vững giá” - 2

Giá trị của vàng là bất biến 

Ông Trần Bình Minh dự đoán: “Sắp tới sẽ có 1 đợt tăng giá mạnh. Những mức giá đã chốt chưa phải là giá trị thực của vàng, tức là vàng còn cao hơn nữa. Cơ sở của dự đoán này là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang đẩy mạnh tích trữ vàng, các tổ chức dự trữ vàng lớn trên thế giới cũng đang mua mạnh (vàng giảm mạnh đợt vừa rồi do các tổ chức lớn bán ra)…

Trong khi đó, người ta vẫn chưa nhìn thấy những tín hiệu tốt nhất về đối với các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ và châu Âu. Vì vậy, đây là những lí do khiến giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Trên thực tế, những diễn biến kinh tế xã hội trên thế giới có thể thay đổi nhưng giá trị của vàng là bất biến. ”.

Tuy nhiên, ông Minh cũng tỏ ra quan ngại nếu “cơn bão” giá vàng mới xuất hiện thì tình trạng thị trường hỗn loạn, đầu cơ làm giá sẽ tái diễn, giá vàng trong nước cao hơn thế giới và gây khó dễ cho người dân có nhu cầu thực sự vì phải mua vàng với giá cao.

Chung quan điểm về xu hướng tăng của giá vàng nhưng ông Lê Văn Hinh lạc quan hơn trước những ý kiến của tân Thống đốc NHNN rằng Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng.
 
“Theo quan điểm đó có thể hiểu rằng, NHNN tôn trọng quy luật thị trường chung trên thế giới và trong nước. Khi vàng trong nước cao hơn thế giới thì Nhà nước sẽ can thiệp để bình ổn, vì vậy không phải quá lo lắng tới những biến động lớn về cung cầu” - ông Hinh ghi nhận.

Ngoài ra, ông Hinh cũng cho rằng vấn đề tỷ giá USD/VND nếu quá biến động thì sẽ tác động đến giá vàng tại Việt Nam, bởi các đầu mối làm thương mại sẽ thường nhập vào lúc giá vàng tăng thì vô hình trung làm căng ngoại tệ, sẽ làm tăng giá vàng ở kỳ tiếp theo (lần sau nhập khẩu). Vì vậy việc cần thiết là kiểm soát nhập khẩu vàng vừa phải và không dồn vào một lúc.

“Khi Nhà nước phân biệt rõ vàng hàng hóa và vàng tiền tệ thì việc quản lý vàng và chính sách quốc gia về giá vàng và tỷ giá, dự trữ vàng, sàn vàng hay huy động vàng trong dân sẽ có tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn và phù hợp hơn - khi đó có thể giá vàng trong nước và quốc tế là thông thương thực sự...” - ông Hinh nhấn mạnh.

Quỳnh Anh