Thị trường vàng “hậu” 30/6: “Cơn khát” vàng vẫn lớn
(Dân trí) - Thời hạn các ngân hàng tất toán xong tài khoản đã qua 10 ngày, nhưng chênh lệch trên thị trường vàng chưa được rút ngắn như kỳ vọng. “Cơn khát” vàng trong nước vẫn cao dù đã có gần 43 tấn vàng “Nhà nước” được tung ra thị trường.
Theo dõi diễn biến thị trường vàng trong nước mấy ngày gần đây cho thấy: Thị trường có những diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động ngược với giá vàng thế giới và nhu cầu vàng trong nước vẫn cao.
Sau ngày 30/6, nhiều chuyên gia dự đoán giá vàng trong nước sẽ giảm, vì nhu cầu mua vàng của một số ngân hàng thương mại để đóng trạng thái vàng không còn. Nhiều dự đoán còn cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bán vàng qua đấu thầu, tình hình cung cầu vàng trên thị trường sẽ được cải thiện.
Thực tế ngược lại, giá vàng miếng trong nước vẫn chưa rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với giá vàng thế giới quy đổi, thậm chí diễn biến thất thường, tăng - giảm ngược chiều với giá thế giới. Cuối tuần trước, giá vàng SJC có thời điểm còn cao hơn gần 7 triệu đồng/lượng. Bên cạnh đó, các phiên đấu thầu gần đây liên tục “cháy” hàng, các đơn vị tham gia gần như mua hết số vàng đưa ra đấu thầu, mặc dù giá vàng được định giá cao.
Tính từ phiên đấu thầu đầu tiên (28/3) đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 41 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.116.900 lượng (tương đương gần 43 tấn vàng SJC) trên tổng số 1.218.000 lượng chào thầu.
Trong đó, qua 4 phiên đấu thầu sau thời điểm 30/6, với mỗi phiên chào bán 40.000 lượng vàng, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 159.900 lượng vàng. Điều này cho thấy nhu cầu vàng miếng của các đơn vị kinh doanh vàng (lực bán) vẫn ở mức cao.
“Chênh lệch giá vàng trong nước và vàng thế giới có hôm lên tới 7 triệu đồng/lượng, điều này cho thấy nhiều người vẫn muốn mua vàng (lực mua) vẫn cao, cho dù giá vàng trong nước đắt hơn nhiều so với giá thế giới”, nhóm phân tích thị trường của Ngân hàng Tiên phong nhận định.
Hết sức thận trọng khi “bước vào” thị trường
Theo đánh giá của Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý, điểm chung giữa hai thị trường vàng trong nước và thế giới hiện nay là tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Đã có gần 43 tấn vàng “Nhà nước” được tung ra thị trường (ảnh: AH).
Trên thị trường vàng thế giới, những tin tức tốt từ nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, động thái tiếp tục bán ra của các quỹ, việc hạ dự báo giá vàng của các ngân hàng, đặc biệt ý kiến của đa phần các chuyên gia khi cho rằng giá vàng thế giới có thể tiếp tục đi xuống về trung và dài hạn đã ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư, vàng không còn là “địa chỉ” trú ẩn an toàn duy nhất.
Thị trường trong nước cũng ảnh hưởng phần nào từ xu hướng này của thế giới. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm mang tính “tâm lý” khi người dân muốn “nghe ngóng” diễn biến thị trường hậu 30/6 trước khi có quyết định đầu tư của riêng mình.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của thị trường vàng trong nước và thế giới, theo tư vấn của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Tiên phong, người dân cần thận trọng khi quyết định đầu tư vào vàng. Bởi giá vàng thế giới có thể giảm sâu, xuống dưới mức 1.200 USD/ounce. Ngày 11/7 tới, Chủ tịch FED có bài phát biểu quan trọng về chính sách tiền tệ, đây có thể là nút thắt quan trọng quyết định xu hướng giá vàng.
“Giá vàng trong nước đang biến động phức tạp, song khi Ngân hàng Nhà nước dẹp được tình trạng vượt rào của một số ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý “rảnh tay” sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết hơn, giá vàng trong nước có thể giảm sâu. Do đó nếu người dân không thận trọng, đầu tư quá nhiều vào vàng, khi giá vàng giảm mạnh sẽ bị thiệt hại lớn”, nhóm phân tích này nhấn mạnh.
Sau thời hạn 30/6, thị trường vàng chưa có chuyển biến, chênh lệch giá vàng lên tới gần 7 triệu đồng/lượng, theo đánh giá của giới chuyên gia, có thể do nhiều nguyên nhân. Và một nguyên nhân không mới là do nhu cầu thực của người dân tại mức giá hợp lý vẫn cao nên giá vàng Việt Nam vẫn được giữ ở mức cao hơn thế giới từ 6 đến 7 triệu đồng/lượng.
Trong điều kiện thuận lợi hiện nay, trước xu thế giá vàng thế giới xuống thấp, lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế có dấu hiệu khả quan, theo các chuyên gia, việc kéo giá vàng trong nước xuống không phải là quá khó.
“Nếu trong các phiên đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước quy định giá trúng thầu thấp hơn giá thị trường ở mức hợp lý, chắc chắn giá thị trường sẽ xuống theo. Việc này chỉ có thể thực hiện được sau khi giải quyết xong vấn đề trạng thái vàng của một vài ngân hàng thương mại”, đại diện một ngân hàng thương mại nói.
Tính đến 14h30 hôm nay 10/7, giá vàng SJC tại Hà Nội được các doanh nghiệp vàng niêm yết giao dịch quanh mức 37,35 triệu đồng/lượng (mua vào) - 37,55 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tiếp gần 100.000 đồng/lượng so với mở cửa phiên sáng. Dù điều chỉnh giảm theo diễn biến giá của thế giới, nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới gần 6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước sở dĩ vẫn được “neo” ở mức cao một phần tác động bởi yếu tố cung - cầu của thị trường. Như đã đề cập ở trên, tâm lý người dân thận trọng, người dân vẫn muốn tiếp tục dõi theo diễn biến thị trường trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, lực cung trên thị trường vẫn chưa đủ mạnh để có thể giúp kéo giá trong nước về sát với giá thế giới. Với việc liên tục tổ chức các phiên đấu thầu như trước đây, cụ thể là các phiên đấu thầu với khối lượng lớn như mấy phiên gần đây, giới chuyên gia và các nhà đầu tư kỳ vọng, việc kéo giá vàng sát lại của hai thị trường sẽ sớm diễn ra.
Nguyễn Hiền