1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường sữa Việt Nam: Nhập nhèm đủ thứ

Việc ép giá mua sữa từ nông dân... thấp nhất thế giới đang đẩy người nuôi bò sữa trong cả nước đối mặt với nguy cơ phá sản. Trong khi sản lượng sữa tươi chỉ đủ đáp ứng 22% nhu cầu nhưng trên thị trường vẫn tràn ngập các sản phẩm “sữa tươi nguyên chất”.

Ghi nhãn mập mờ

 

“Bắt đầu một ngày mới thật khỏe mạnh với sữa tươi Vinamilk...” là câu quảng cáo được in trên vỏ hộp sản phẩm sữa tươi thể tích 200ml của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Thành phần của sản phẩm này được ghi bao gồm sữa bò tươi, sữa bột, dầu bơ nhưng không hiểu sao nhà sản xuất vẫn để trên bao bì dòng chữ thật to “Sữa tươi tiệt trùng nguyên chất”. 

 

Trên túi “Sữa tươi tiệt trùng” (250ml) của Vinamilk là hình ảnh 2 chú bò sữa béo tốt đập ngay vào mắt, trong khi thành phần sản phẩm ghi rất đơn giản, mập mờ phía sau túi. Nhà sản xuất dù đã ghi “bơ chiếm 3,5%” nhưng vẫn cố tình không ghi tỷ lệ của sữa bột và sữa tươi cụ thể trong sản phẩm.

 

Cũng với kiểu mập mờ này, sản phẩm Izzi của Nhà máy chế biến sữa Hà Nội cũng chỉ ghi thành phần bao gồm sữa tươi, sữa bột nhưng không rõ ràng mỗi thứ bao nhiêu phần trăm.

 

Trên các sản phẩm sữa của Dutch Lady còn lạ hơn. Ngoài chữ “sữa tiệt trùng” với đầy đủ hương vị chocolate, dâu, cam thì bên dưới bao bì có một dòng khó hiểu “chai tươi ngon mắt”. Dutch Lady cũng không ghi rõ ràng tỷ lệ sữa bột và sữa tươi.

 

Ở các loại sữa tiệt trùng của Công ty Nutifood, dù không ghi chữ “sữa tươi” trên bao bì nhưng hàng loạt sản phẩm Nutifood trong các siêu thị đều được dán biển ghi “sữa tươi” trên kệ hàng trong khi thành phần một số sản phẩm của Nutifood không hề có sữa tươi.

 

Đơn cử sản phẩm sữa dâu tiệt trùng của Nutifood, trong thành phần chỉ có sữa bột không béo, bơ, đường, chất nhũ hóa... Không hiểu đây là cách làm của Nutifood hay của các siêu thị?

 

Theo quy định ở các nước phát triển, sữa tươi phải chiếm 90%- 100% trong sản phẩm mới gọi là “sữa tươi”. Hiện nguồn sữa bò tươi trong cả nước chỉ đáp ứng được khoảng 22% nhu cầu, sữa tươi cũng không thể nhập khẩu, vậy sữa tươi tràn ngập trên thị trường ở đâu ra?

 

Đắt nhất và rẻ nhất thế giới

 

Hiện nay, Vinamilk thu mua khoảng 49% lượng sữa tươi trong nước, Công ty Ducth Lady thu mua khoảng 20%, Công ty sữa Mộc Châu thu mua 5%, lượng còn lại do các cơ sở khác thu mua và tiêu thụ tại chỗ.

 

Theo thống kê của Cục Nông nghiệp, sản lượng sữa bò năm 2005 là 197.500 tấn, năm nay số lượng đàn bò giảm sút đáng kể nên lượng sữa giảm.

 

Tại hội nghị bò sữa toàn quốc tổ chức tại Long An giữa tháng qua, đại diện Vinamilk cũng thừa nhận thực trạng thêm sữa bột vào các sản phẩm sữa tươi bán trên thị trường. Tuy nhiên ông này “bào chữa” rằng tỷ lệ sữa tươi trong các sản phẩm tiêu thụ tại TPHCM... cao hơn nhiều so với các vùng khác.

 

Theo Quy chế ghi nhãn hàng hóa (ban hành kèm Quyết định 178/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), đối với hàng hóa là thực phẩm đóng gói, đồ uống, mỹ phẩm, doanh nghiệp phải ghi đầy đủ thành phần cấu tạo trên nhãn hàng hóa theo thứ tự từ nhiều đến ít nhưng không cần ghi rõ tỷ lệ cụ thể. Lợi dụng kẽ hở này, các công ty sản xuất sữa dù pha sữa bột với tỷ lệ cao nhưng vẫn “hiên ngang” quảng cáo là “sữa tươi nguyên chất”, “sữa tươi tiệt trùng” gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. 

 

Ít ai biết rằng giá sữa bán lẻ ở Việt Nam hiện nay đang đứng ở mức cao nhất thế giới. Theo phân tích của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá sữa bán lẻ tính bình quân cho các nước Bắc Mỹ, châu Đại Dương, Trung Quốc, Israel và EU là 0,8 USD/kg; các nước thuộc khu vực Đông Âu, Nam Mỹ có mức giá trung bình thấp nhất là 0,4 USD/kg.

 

Trong khi đó, giá sữa bán lẻ Việt Nam lại lên đến 0,82 USD/kg. Điều nghịch lý là trong khi giá bán lẻ sữa cho người tiêu dùng ở mức cao nhất thế giới thì giá sữa nguyên liệu thu mua của nông dân tại Việt Nam lại... thấp nhất thế giới.

 

Hiện giá sữa nguyên liệu tại trại của Nhật Bản, Hàn Quốc từ 8.700-11.500 đồng/kg; Thái Lan: 4.600 đồng/kg; Trung Quốc: 4.800 đồng/kg trong khi giá các công ty thu mua sữa của nông dân ở Việt Nam chỉ có 3.500 đồng/kg. Có thể hình dung các công ty sữa đang thu lợi nhuận lớn đến mức nào với cung cách kinh doanh này.

 

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN: “Hầu hết các doanh nghiệp chế biến sữa hiện nay đang lạm dụng từ “sữa tươi”, “sữa nguyên chất”, “sữa tiệt trùng”... trên nhãn mác hàng hóa của sản phẩm sữa, nhưng thực tế có 40-70% sữa bột gầy và dầu bơ. Đây là hành vi thiếu minh bạch, làm giảm giá trị sữa tươi, không bảo vệ quyền lợi người nuôi bò sữa và lừa dối người tiêu dùng. Cơ quan Nhà nước phải vào cuộc”.

 

Ông Nguyễn Đăng Vang - Cục trưởng Cục Chăn nuôi: “Đàn bò sữa cả nước đang giảm mạnh vì giá mua sữa tươi ở mức thấp một cách bất hợp lý, điều này về lâu dài sẽ bất lợi cho nhà máy chế biến sữa và cho người tiêu dùng. Để đảm bảo công bằng về chất lượng sản phẩm sữa, các bộ, ngành liên quan phải tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo ghi đúng tỷ lệ sữa tươi trên bao bì sản phẩm”.

 

Ông Nguyễn Nam Vinh - Phó chủ nhiệm Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Văn phòng phía Nam): “Ép giá sữa của nông dân, bán giá cao với người tiêu dùng, các công ty sữa trong nước đang bắt tay nhau tạo thế độc quyền để có lợi nhuận cao nhất. Phải khuyến khích cho các cơ sở tư nhân tham gia thu mua sữa và chế biến, cung cấp sữa tươi cho học đường. Có được sự cạnh tranh này sẽ hạn chế tình trạng câu kết độc quyền gây bất lợi cho nông dân và người tiêu dùng”. Q.Thuần  

 

Theo Q.Thuần-N.Hằng 

Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm