Thị trường OTC cùng nhịp với VN-Index

Các nhà đầu tư đã có những ngày cuối tuần vui vẻ khi TTCK đã hồi phục trở lại. Không chỉ nhẹ người với những cổ phiếu niêm yết mà họ cũng bớt chút lo âu vì thị trường OTC cũng nhích lên sau gần 2 tuần sụt giảm và có nhiều ngày khó giao dịch...

“Ấm” lên

Đầu tuần này, hàng loạt các loại cổ phiếu giá cao và hút hàng trước đó như Eximbank, Đông Á, Cao su Tây Ninh, Hoàng Anh- Gia Lai, Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Phương Đông, Mai Linh... đồng loạt giảm giá mạnh và rất khó tìm người mua.

Như Eximbank rớt từ 15 triệu (mệnh giá 1triệu) xuống còn trên dưới 13 triệu/cổ phiếu, Hoàng Anh-Gia Lai từ 125.000 đồng  có khi chỉ còn 102.000 - 105.000 đồng/cổ phiếu, An Bình có lúc vượt quá 90.000 đồng cũng đã  hạ xuống mức dưới 80.000 đồng/cổ phiếu...

Cổ phiếu OTC rơi nhanh không chỉ vì VN-Index giảm 7 phiên liên tiếp mà còn bị tác động từ hàng loạt những tuyên bố, quyết định, biện pháp để hạ nhiệt, kiểm tra, quản lý thị trường đang khá hỗn loạn này.

Mặt khác nhiều người mua OTC giá rẻ, trung bình và mua lấy được khi cần bán đã không bán được càng làm cho giá hạ. Từ ngày 23-28/3/2007, có thời điểm thị trường OTC gần như đóng băng.

Bên cạnh đó nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu lo ngại về việc làm giá, biên độ chênh lệch giá quá cao, thông tin mù mờ, thiếu minh bạch và có quá nhiều cổ phiếu OTC “vô danh” được tung ra thị trường... Và quan trọng nhất nói như nhà đầu tư Nguyễn Quốc Thắng thì “chơi OTC may nhờ rủi chịu, không có sự bảo đảm nào như các cổ phiếu niêm yết nên đôi khi tôi cũng nghĩ đến cảnh trắng tay”.

Nhưng bắt đầu từ ngày 29/3/2007 khi VN-Index bắt đầu hồi phục rồi tăng mạnh, thị trường OTC cũng có dấu hiệu “ấm” trở lại sau gần 2 tuần ảm đạm. Eximbank đã nhích lên được 13,2 -13,4 triệu đồng, Hoàng Anh- Gia Lai cũng bán được trên 105.000 đồng, An Bình có giao dịch thành với mức giá 82.000-84.000 đồng...

Tuy chưa thể so với những ngày sau cận Tết  Đinh Hợi nhưng “thế giới” OTC đã nhộn nhịp hơn. Tại chợ OTC cạnh sàn SSI TPHCM , cảnh mua bán cổ phiếu OTC cũng “có ra có vào, tăng 10-20% so với vài ngày trước” như lời của nhà môi giới tự do Trần Thu Vân.

Ông Trịnh Hoàng Nam, Trưởng phòng môi giới SSI cho rằng: “ Nhiều cổ phiếu OTC xuống do tâm lý của nhà đầu tư thấy VN- Index giảm liên tiếp 7 phiên, nay VN-Index lên thì họ cũng đỡ lo nên giao dịch có khá hơn”.

Chuyên gia chứng khoán Trịnh Ngọc Anh nhận xét: “Một số nhà đầu tư trên thị trường OTC có hỏi tôi về những biện pháp sắp tới của nhà nước nhằm quản lý thị trường này và họ nhận ra quản lý như thế chỉ có bảo vệ tốt hơn cho họ nên phần lớn cũng yên tâm mua bán bình thường”.

Tuy nhiên, cả ông Nam lẫn ông Anh đều khẳng định chỉ có những cổ phiếu OTC tên tuổi, làm ăn tốt, thông tin rõ ràng... mới tăng giá và ổn định và họ khuyên “có thể những cổ phiếu loại này lời không nhiều như trước nhưng đảm bảo an toàn vốn cho bạn”.

Phân tích kỹ kết quả kinh doanh của nhiều loại cổ phiếu OTC vào loại “hot” trong các ngành dầu khí, ngân hàng, địa ốc, cao su... thì đại đa số đều có kết quả khả quan, chưa thấy doanh nghiệp nào có dấu hiệu đi xuống mà thường là ngược lại.

Như Đông Á, Vạn Phát Hưng, Ngân hàng Phương Đông, An Bình... đang có nhiều dự án tốt đã triển khai nên việc nhận định OTC xuống mạnh do tâm lý đám đông ảnh hưởng VN-Index giảm nhanh là hoàn toàn có cơ sở. Hai phiên cuối tuần, VN-Index tăng trở lại đã “kích” OTC nhích lên theo.

Sự lựa chọn cũng kỹ càng hơn

Tuy nhiên một số cổ phiếu OTC vẫn đứng hoặc giảm giá do thông tin không thuận lợi như Mai Linh vẫn trên dưới 39.000 đồng/cổ phiếu, Nhiệt điện Bà Rịa dao động xung quanh giá 70.000 đồng/cổ phiếu, Bệnh viện Triều An sau khi lên hơn 60.000 đồng nay hạ duới 55.000 đồng/cổ phiếu...

Từ tình hình này, nhà phân tích chứng khoán Phùng Khắc Cung cho rằng: “OTC cũng bắt đầu được lựa chọn kỹ hơn chứ không cùng lên hoặc cùng xuống như trước. OTC cũng không lên một mạch hay rơi tự do như trước nữa mà tăng giảm thường xuyên với biên độ chênh lệnh thấp hơn trước đó và sẽ có nhiều điểm tương đồng với cổ phiếu niêm yết”.

Có lẽ đây sẽ là xu hướng của thị trường OTC, một tín hiệu đáng mừng sau một thời gian “mất trật tự, vô tổ chức” bởi chính các công ty có cổ phiếu OTC cũng đang nhận ra mình phải góp phần “lành mạnh hóa” cổ phiếu của chính mình...

Theo Hà Phan
Báo Tiền phong