1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thị trường OTC: Công ty đại chúng phải vào luật

Trong không khí sốt nóng chứng khoán từ đầu năm đến nay, các nhà quản lý và công chúng có thể đã bỏ quên những thay đổi rất lớn sắp tới liên quan đến giao dịch trên thị trường tự do (OTC). Đó là các công ty phát hành cổ phiếu rộng rãi ra công chúng phải đăng ký, công bố thông tin và lưu ký theo yêu cầu của Luật Chứng khoán.

Đa số cổ phiếu OTC là của các công ty đại chúng

Theo Luật Chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2007, công ty đại chúng là các công ty cổ phần thuộc một trong ba dạng sau: một là đã chào bán cổ phiếu ra công chúng; hai là đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch; ba là có ít nhất 100 cổ đông, không kể cổ đông là tổ chức tài chính chuyên nghiệp, vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên.

Các công ty thuộc dạng thứ 3 phải nộp hồ sơ đăng ký theo quy định trong vòng 90 ngày kể từ ngày trở thành công ty đại chúng. Như vậy, gần như tất cả các doanh nghiệp và ngân hàng đang có cổ phiếu giao dịch phổ biến trên thị trường tự do (OTC) đều  là công ty đại chúng. Bộ Tài chính đã có công văn hối thúc việc đăng ký công ty đại chúng trong tháng 3 này.

Nghĩa vụ nhiều hơn, minh bạch hơn

Các công ty đại chúng có nghĩa vụ phải công bố thông tin định kỳ và bất thường theo quy định, phải xin phép khi phát hành cổ phiếu, phải tổ chức lưu ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký và phải theo nguyên tắc quản trị công ty theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định của Bộ Tài chính.

Các cổ đông lớn nắm trên 5% cổ phần phải báo cáo khi giao dịch làm tỷ lệ sở hữu thay đổi quá 1%. Nếu công ty đại chúng vi phạm các quy định của Luật Chứng khoán thì sẽ có thể bị phạt tiền. Người nội bộ là thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó tổng giám đốc, người phụ trách tài chính, phụ trách kế toán và người quản lý khác trong bộ máy quản lý khi mua rồi bán hoặc bán rồi mua cổ phiếu của công ty trong thời hạn 6 tháng sẽ phải nộp lại cho công ty khoản chênh lệch phát sinh nếu có. Nếu không công ty đại chúng hoặc cổ đông có quyền kiện để đòi lại.

Vấn đề phải lưu ký cổ phiếu qua Trung tâm lưu ký có nghĩa là việc quản lý chuyển nhượng do chính công ty thực hiện, hoặc nhờ các công ty chứng khoán làm đại lý chuyển nhượng sẽ không còn hợp lệ. Các cổ phiếu chỉ được chuyển nhượng khi đã được lưu ký, quyền sở hữu của người mua chỉ hợp lệ khi được Trung tâm lưu ký ghi nhận.

Môi giới tự do sẽ mất việc?

Việc lưu ký cổ phiếu sẽ dẫn đến thay đổi lớn trên thị trường OTC. Từ nay giao dịch cổ phiếu OTC sẽ đơn giản, nhanh chóng, có thể giao dịch lô nhỏ 10-100 cổ phiếu như trên thị trường niêm yết. Cổ phiếu OTC cũng có mã chứng khoán và được giao dịch qua tài khoản tại các công ty chứng khoán như cổ phiếu niêm yết.

Dự kiến các công ty chứng khoán sẽ đẩy mạnh môi giới cổ phiếu OTC và những người môi giới tự do sẽ bị xóa sổ. Việc giao dịch qua Trung tâm lưu ký cũng sẽ kiểm soát được giao dịch tài sản của các cổ đông, phục vụ cho việc đánh thuế. Dự kiến trước khi Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực vào năm 2009, sẽ có một làn sóng chuyển nhượng cổ phiếu để tránh thuế sau này.

Các công ty đại chúng  sẽ có xu hướng lên niêm yết trên sàn, bởi vì nghĩa vụ giữa công ty đã niêm yết và chưa niêm yết không  khác nhau bao nhiêu.

Theo Quang Anh
Báo SGGP