Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam sắp có cuộc cạnh tranh khốc liệt?

(Dân trí) - GV Taxi  là cái tên mới vừa ra mắt trên thị trường gọi xe công nghệ do đội ngũ kỹ sư người Việt trẻ tuổi vận hành, chính thức tham gia vào cuộc cạnh tranh với Grab, GoViet từ tháng 7/2020.

Nhiều người cho rằng sự ra đời của một tên tuổi mới trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ là một bất lợi, bởi sự ảnh hưởng của đại dịch gây nhiều khó khăn, thách thức với việc làm ăn kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đó, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang có những đối thủ nặng ký như Grab, GoViet.

Tuy nhiên, CEO 9X Hoàng Quang Mạnh khẳng định: “Vẫn có nhiều cơ hội phát triển cho ứng dụng gọi xe thuần Việt. Với lợi thế am hiểu về văn hóa và con người Việt Nam, đơn vị này khẳng định sẽ mang giá trị về chi phí hợp lí cho người sử dụng mỗi chuyến đi và nâng cao thu nhập cho tài xế”.

Kế hoạch khởi chạy của đơn vị này bắt đầu từ tháng 7/2020 và sẽ thử nghiệm dịch vụ trong vòng 6 tháng, với mục tiêu thực hiện được 60.000 chuyến đi mỗi ngày.

Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam sắp có cuộc cạnh tranh khốc liệt? - 1

Tên tuổi mới tham gia thị thường gọi xe công nghệ từ tháng 7/2020

Điều khác biệt so với các ứng dụng hiện có là khách sử dụng dịch vụ được hưởng ưu đãi khi giới thiệu bất kỳ bạn bè nào sử dụng dịch vụ và GV cam kết luôn hỗ trợ chi phí tối ưu cho khách trong mỗi chuyến đi.

“Việt Nam là thị trường tiềm năng, chúng tôi nhận thấy nhiều người sẵn sàng ủng hộ một ứng dụng gọi xe Việt với mức chiết khấu và chính sách phù hợp hơn. Khách hàng cũng sẵn sàng tiếp nhận một ứng dụng có giá cả phù hợp” - ông Hoàng Quang Mạnh nói.

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết: Việc ứng dụng công nghệ mới vào kinh doanh vận tải được người dân đón nhận. Bộ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ là cơ hội để người dân hưởng lợi từ chi phí, dịch vụ và lựa chọn tiêu dùng.

Theo vị đại diện này, hoạt động kinh doanh vận tải của doanh nghiệp phải thực hiện đúng theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Điều 35 của Nghị định 10 quy định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được chia thành 2 trường hợp.

Trường hợp 1, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp 2, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của Nghị định.

Đại diện Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải. Quy định được cho là rất mở để đơn vị tự lựa chọn và xác định hoạt động kinh doanh của mình phù hợp với các điều kiện kinh doanh của Nghị định.

Châu Như Quỳnh