1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thị trường điện máy: “Ông lớn” bành trướng, thương hiệu lớn “bắt tay”

Kinh doanh hàng điện máy, đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, thanh lọc những mô hình kinh doanh yếu kém. Trong khi đó, nhiều thương hiệu lớn đã “bắt tay” để cung cấp cho người tiêu dùng những dịch vụ tư vấn, hậu mãi tốt…

Kẻ cứ đóng, người cứ mở

Đến đầu tháng 9/2013, chuỗi siêu thị điện máy HomeOne (thuộc công ty CP dịch vụ bán lẻ Tiên Phong) đã chính thức khai tử. Như vậy từ cuối quý II đến đầu tháng 9 này, HomeOne đã lần lượt khai tử cả 3 siêu thị của mình tại đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp; đường Đồng Nai, quận 10; trung tâm Vincom A, quận 1 (TP.HCM).

HomeOne, một hệ thống bán lẻ khá lớn trên địa bàn TP.HCM, có số vốn khoảng 200 tỉ đồng, nhưng chỉ sau hai năm kinh doanh số tiền này đã đội nón ra đi.
 
Siêu thị điện máy HomeOne đã chính thức khai tử sau khi đã nợ nần chồng chất
Siêu thị điện máy HomeOne đã chính thức khai tử sau khi đã nợ nần chồng chất

Đến nay HomeOne đang trong tình cảnh nợ lương nhân viên ba tháng, nợ tiền thuê mặt bằng hàng tỉ đồng và nợ nhà cung cấp cũng hàng tỷ đồng, các siêu thị bị niêm phong, bị thu hồi mặt bằng.

Trong hai năm trở lại đây, nhiều hệ thống bán lẻ hàng điện máy như: WonderBuy, rồi đến Best Carring, Hoàng Linh, Ebest, Phước Lập…. đã biến mất. Giới kinh doanh điện máy nhận định, sắp tới sẽ còn nhiều đơn vị tiếp tục phải đóng cửa, trong đó có cả doanh nghiệp lớn với mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng.

Ngược lại, một số hệ thống bán lẻ lớn vẫn tiếp tục mở rộng. Mới đây nhất là hệ thống điện máy Chợ Lớn vừa khai trương siêu thị thứ 22 tại quận 4 (TP.HCM) có diện tích 8.000m2, với số vốn đầu tư khoảng 50 tỉ đồng. Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, tính đến nay đã có 21 siêu thị bán lẻ. FPT Retail, năm 2012 chỉ có 50 siêu thị nhưng hiện nay đã có 78 siêu thị. Hay như chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động, tổng giám đốc cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ thêm khoảng 20 siêu thị mới, nâng tổng số siêu thị lên con số 230….

Trả lời báo chí mới đây, ông Lê Phạm Anh Thy, giám đốc tiếp thị trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim cho rằng, để tồn tại được trong nhóm hàng điện máy, phải hội đủ năm điều kiện: thương hiệu lớn, tài chính mạnh, đủ kinh nghiệm quản lý, chính sách hậu mãi tốt và được sự hỗ trợ của các nhà sản xuất.

“Với mức lãi gộp trung bình của nhóm hàng điện máy khoảng 10%, chi phí cho hậu mãi đang là một vấn đề đau đầu của các nhà bán lẻ. Khách hàng bây giờ tinh ý lắm, nếu hệ thống nào không chu đáo chuyện hậu mãi (giao hàng, lắp đặt, bảo hành...) họ sẽ không mua hàng” - ông Thy nói.

Thương hiệu lớn “bắt tay” để chăm sóc khách hàng

Thực tế, thị trường điện máy đã chứng kiến sự dịch chuyển ngày càng rõ rệt này. Người tiêu dùng chọn mua hàng ở những trung tâm điện máy có thương hiệu thay cho các cửa hàng nhỏ lẻ, kèm theo đó là việc lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu uy tín. Người mua chấp nhận trả giá cao hơn nhưng đổi lại được chăm sóc, dịch vụ hậu mãi tốt.

Như trong thị trường máy giặt, hầu hết những nhãn hiệu máy giặt tân tiến hàng đầu đều đã có mặt tại Việt Nam và được trưng bày ở những siêu thị điện máy lớn. Đồng thời, các đại gia này cũng đều đồng hợp tác với những sản phẩm bột giặt uy tín để cùng nhau phát triển.

Điển hình như mới đây, nhãn hàng Omo đã hợp tác cùng 7 nhà sản xuất máy giặt: Sanyo, Panasonic,Toshiba, LG, Electrolux, Bosch, Maytag cho ra mắt dịch vụ Omo Matic Solution – hay còn gọi Giải pháp Omo Matic - một dịch vụ giúp người tiêu dùng giải quyết mọi thắc mắc liên quan đến việc giặt máy thông qua các kênh, website, đường dây nóng trả lời 24/7 và đội hỗ trợ giải pháp Omo Matic tại nhà.
 
Nhiều thương hiệu lớn sẵn sàng “bắt tay” để chăm sóc khách hàng
Nhiều thương hiệu lớn sẵn sàng “bắt tay” để chăm sóc khách hàng

Theo đó, khách hàng sẽ được tư vấn thông tin từ những vấn đề nhỏ như cách phân loại quần áo, chọn loại sản phẩm thích hợp cho đến vấn đề lớn hơn như cách bảo quản và vệ sinh máy giặt đúng cách.

Ông Yoichi Marukawa, Giám đốc tiếp thị Panasonic Việt Nam, cho biết: “Khi tham gia vào dịch vụ Giải pháp Omo Matic, khách hàng sẽ tránh được những hỏng hóc, rủi ro có thể xảy ra cho máy giặt khi họ không biết cách chăm sóc và bảo trì. Bên cạnh đó, với tư cách là nhà sản xuất máy giặt, tôi hy vọng người tiêu dùng có thể sử dụng thành thạo những lợi ích mà máy giặt của chúng tôi đem lại”.

Theo dự báo, đến năm 2015 số lượng máy giặt sẽ chiếm hơn 75% trong các hộ gia đình, tương đương gần 6 triệu chiếc máy giặt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có đến 90% người tiêu dùng chỉ dùng một nút (tắt/mở) cho toàn bộ chu trình giặt hoặc thường xuyên vừa kết hợp tay với giặt máy, vừa ngâm xử lý hoặc chỉ chọn chế độ tự động. Như vậy thì việc người tiêu dùng nâng cao hiệu suất sử dụng sản phẩm của máy giặt nên sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí cho gia đình.

Rõ ràng, thị trường điện máy đang trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, những mô hình kinh doanh yếu kém, tiềm lực yếu, làm ăn manh mún đã không thể trụ nổi. Trong khi đó, đối với nhiều thương hiệu lớn, một mặt bản thân họ tự khẳng định mình, mặt khác, việc “bắt tay” giữa các “đại gia” không chỉ giúp cho khách hàng được hưởng nhiều chính sách hậu mãi mà đây cũng chính là cơ hội để uy tín của các doanh nghiệp ngày càng nâng cao.

PV