Thị trường dễ dãi với trái cây Thái

Người tiêu dùng mặc định trái cây Thái chất lượng tốt, ngon hơn nhưng hàng có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không thì ít ai quan tâm.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Trái cây Trung Quốc đang bị người tiêu dùng (NTD) tẩy chay đã tạo điều kiện cho trái cây Thái Lan dễ dàng tràn vào chợ Việt Nam. Thế nhưng vấn đề kiểm soát chất lượng lại đang bị bỏ ngỏ.

 

Tại các chợ lẻ ở TP.HCM, ngoài táo, lê, nho từ Mỹ, Úc, New Zealand, trái cây Trung Quốc thì các loại trái như bòn bon, me, sầu riêng, nhãn… từ Thái Lan cũng chiếm một vị trí quan trọng trên các kệ hàng của tiểu thương. Trái cây Thái đang được nhập về số lượng ngày càng lớn.

 

Người tiêu dùng chuộng hàng Thái

 

Chị Lê Thị Hạnh, tiểu thương chợ Bà Hoa (Tân Bình), chỉ vào kệ chất đầy bòn bon cho hay đó là hàng nhập về từ Thái, có quanh năm. Măng cụt cũng nhập về nhiều.

 

Bán nhiều loại trái cây Thái, chị Nguyễn Hoàng Thơ, tiểu thương sạp trái cây chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình), cho biết trái cây Việt Nam như bòn bon, măng cụt, sầu riêng không ngon bằng hàng Thái, để vài ba ngày là dễ hư thối. Do đó chị thích bán hàng Thái hơn.

 

Thị trường dễ dãi với trái cây Thái
Thị trường đang dễ dãi sẽ tạo điều kiện cho trái cây Thái Lan không rõ nguồn gốc chiếm lĩnh thị trường, lấn át trái cây trong nước. Ảnh: Tú Uyên

 

Các tiểu thương cho rằng thương hiệu Thái Lan khiến NTD yên tâm mua mà không lo ngại như khi mua hàng Trung Quốc. Lấy hàng ở chợ đầu mối họ biết đó là hàng Thái chứ cũng không yêu cầu chủ vựa cho xem giấy tờ chứng nhận chất lượng sao.

 

Theo các doanh nghiệp (DN) trong ngành, trái cây Việt Nam chất lượng không đồng đều, sản lượng không đủ bán. Măng cụt Việt Nam tỉ lệ sượng, hư chiếm 35%-40%, trong khi Thái Lan chỉ có 10%-15%. Bòn bon Việt Nam trái cũng to, ngọt nhưng theo mùa, còn của Thái trồng bằng công nghệ kỹ thuật cao nên trái có quanh năm. Việc sản xuất giữa Thái Lan và Việt Nam tương đương nhau nhưng nhận thức của người nông dân Thái còn tốt hơn, họ ít xài thuốc bảo vệ thực vật hơn. Công nghệ sau thu hoạch, cách thức bảo quản tốt hơn Việt Nam.

 

Song theo TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, điều lo ngại là trái cây Thái tràn vào sẽ bóp chết trái cây Việt, người nông dân Việt lại chật vật đầu ra. Công nghệ trồng trọt hiện đại hơn, Thái có thể sản xuất được nhiều trái cây nghịch vụ dễ dàng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khi ta hết mùa các loại trái cây này.

 

Nỗi lo kiểm dịch

 

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hiện nay phần lớn trái cây Thái Lan nhập qua Việt Nam là theo đường tiểu ngạch. Trái cây của Thái Lan và Việt Nam hình dáng bên ngoài rất khó phân biệt. Thế nhưng thị trường Việt Nam, từ NTD đến tiểu thương, DN nước ta lại đang dễ dãi với trái cây Thái Lan. Họ mặc định trái cây Thái chất lượng tốt, ngon hơn nhưng vấn đề kiểm dịch, có chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không thì ít ai quan tâm. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc và kiểm soát chặt tại các cửa khẩu.

 

Một DN chuyên cung cấp trái cây cho các siêu thị giải thích hàng Thái chỉ có ở các chợ truyền thống chứ tại các siêu thị ưu tiên bán hàng trong nước như bòn bon, măng cụt, sầu riêng… Vì trái cây nội có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hàng Thái nhập khẩu theo đường tiểu ngạch không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Với các yếu tố trên nên đơn vị không nhập hàng Thái về.

 

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng để bảo vệ NTD cũng như sản xuất trong nước, ngành nông nghiệp cần có hàng rào kỹ thuật, hạn chế việc nhập khẩu tràn lan vào Việt Nam. Các chợ nông sản lớn ở TP.HCM có lượng trái cây nhập khẩu nhiều phải có những phòng phân tích hay kiểm tra nhanh chất lượng sản phẩm ngoại nhập cũng như dư lượng chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật. Các mặt hàng trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay không yêu cầu phải có các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng như ThaiGAP hay GlobalG.A.P. nên rất khó đảm bảo về mặt chất lượng có đảm bảo an toàn hay không.

 

Trái cây Thái Lan vượt Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

 

Theo số liệu xuất nhập khẩu chín tháng đầu năm của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), lần đầu tiên trái cây Thái Lan đã “soán ngôi” trái cây ngoại nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Giá trị nhập khẩu trái cây Thái Lan chín tháng đầu năm tăng mạnh 154%, chiếm gần 34% thị phần trái cây ngoại nhập. Kết quả này đẩy trái cây Trung Quốc nhập vào Việt Nam xuống vị trí thứ hai, chiếm 25% thị phần.

 

Dự báo Thái Lan sẽ tăng tốc xuất khẩu trái cây sang Việt Nam trong thời gian tới.

 

Cẩn thận với quýt giống Thái nhập từ Trung Quốc

 

Trao đổi với chúng tôi, các tiểu thương cho biết trên thị trường có loại quýt Thái, NTD dễ hiểu nhầm quýt nhập từ Thái. Thực chất quýt Thái một phần được trồng tại Việt Nam, phần lớn nhập từ Trung Quốc. Thái Lan không xuất quýt sang Việt Nam vì giá cao hơn rất nhiều. Giống quýt Thái nhập từ Trung Quốc có hình dẹt tròn, vỏ có chấm đen, còn quýt Thái trồng ở Việt Nam có hình tròn, không có chấm đen.

 

Hiện Việt Nam chỉ chọn một số loại giống trái cây Thái ngon hơn để trồng, chẳng hạn như giống sầu riêng Mongthong của Thái, nhãn, bòn bon.

 

Trái cây Thái nhập về rộ vào tháng 6-7

 

Chiều 6-11, một tiểu thương bên ngoài nhà lồng rau quả khu Trung tâm thương mại Cái Khế (Cần Thơ) cho biết trái cây Thái nhập về rộ vào tháng 6-7 như bòn bon, măng cụt, xoài. Mùa này thì ít, chủ yếu ở chợ bán trái cây của Việt Nam. Bòn bon, măng cụt Thái thì trái đẹp và ăn ngọt hơn của mình trồng, còn xoài Thái chỉ để ăn sống chứ không có xoài chín ngon như của Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết có rất nhiều giống trái cây Thái trồng ở Việt Nam ăn rất ngon. Nhiều trái cây người bán cứ nói hàng Thái để được giá nhưng thực tế trồng ở Việt Nam.

 

N.Nam

 

Theo Quang Huy – Tú Uyên

Pháp luật TPHCM

 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”