Thị trường dầu đối mặt với cú sốc cung lớn nhất kể từ năm 1973
(Dân trí) - Cuộc chiến tại Ukraine và hậu quả của nó đối với nguồn cung dầu Nga cùng với giá năng lượng tăng cao có khả năng đẩy thị trường vào một cú sốc cung lớn tương đương với lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973.
Trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn đã eo hẹp, nhưng cuộc chiến của ông Putin và hậu quả của nó đối với nguồn cung dầu Nga cùng với giá năng lượng tăng cao có khả năng đẩy thị trường vào một cú sốc cung lớn tương đương với lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973.
Trong khi đó, dự trữ dầu mỏ ở những nền kinh tế phát triển tiêu thụ nhiều dầu mỏ, bao gồm Mỹ, đã giảm liên tục trong những tháng gần đây khi nhu cầu hồi phục.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ đang ở mức 411,6 triệu thùng, thấp hơn 13% so với mức trung bình trong 5 năm. Tồn kho xăng chỉ cao hơn khoảng 1% so với mức trung bình 5 năm, nhưng tồn kho nhiên liệu chưng cất lại thấp hơn 18%, tồn kho khí propan thấp hơn 21% so với mức trung bình 5 năm.
Khi nhu cầu hồi phục trở lại, nguồn cung dầu toàn cầu phải vật lộn để bắt kịp nhu cầu, do nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) chỉ đồng ý bơm thêm 400.000 thùng/ngày. Trong nhiều tháng qua, sản lượng tăng thêm thậm chí còn thấp hơn 400.000 thùng/ngày, có thời điểm chỉ bằng một nửa con số này, bởi nhiều nhà sản xuất của OPEC thiếu năng lực hoặc đầu tư để tăng hạn ngạch.
Ngay từ đầu tháng 1, các ngân hàng đầu tư lớn đã bắt đầu dự đoán giá dầu sẽ đạt 100 USD/thùng vào một thời điểm nào đó trong năm nay do nguồn cung thị trường thắt chặt.
Nhưng sau khi cuộc chiến tại Ukraine diễn ra, chỉ mất 1 tháng giá dầu đã tăng lên mức 3 con số. Lúc này, cuộc thảo luận lại nghiêng về việc liệu giá dầu có đạt mốc 150 USD/thùng khi dầu của Nga đang bị những người mua châu Âu xa lánh, trong khi một mình khách hàng Trung Quốc khó có thể hấp thụ toàn bộ khối lượng mà đáng lẽ xuất sang châu Âu.
Theo Standard Chartered, Nga sẽ phải đóng cửa một số mỏ khai thác bởi nước này không thể bán toàn lượng dầu đáng lẽ xuất cho thị trường châu Âu sang các thị trường khác. Sản lượng dầu thô của Nga do đó sẽ giảm và tiếp tục đi xuống trong ít nhất 3 năm tới.
Cuộc chiến ở Ukraine đã gia tăng rủi ro địa chính trị cho thị trường dầu vốn đã eo hẹp nguồn cung, khiến giá dầu tăng chóng mặt.
Ông Michael Tran, Giám đốc điều hành chiến lược năng lượng toàn cầu của RBC Capital Markets, nói với Bloomberg: "Không có gì điên rồ hơn thị trường dầu lúc này" khi giá dầu có lúc biến động dữ dội với biên độ kỷ lục 33 USD/thùng đối với dầu Brent.
Các nhà phân tích, trong đó có nhà phân tích thị trường của Reuters John Kemp cho rằng thị trường thắt chặt và việc Nga chật vật để bán dầu đang tạo tiền đề cho một cú sốc cung lớn nhất kể từ những năm 1970 khi Ả Rập cấm vận dầu mỏ vào năm 1973 và cuộc cách mạng Iran năm 1979.
Bình luận về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, ông Daniel Yergin, Phó Chủ tịch IHS Markit, cho rằng đây sẽ là sự gián đoạn thực sự lớn về logistics và người ta đang tranh nhau từng thùng dầu. "Đây là một cuộc khủng hoảng nguồn cung. Một cuộc khủng hoảng logistic. Một cuộc khủng hoảng thanh toán và điều đó có thể xảy ra tương tự như những năm 1970", ông nói với CNBC.
Trong tuần trước, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cũng cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ngày nay tương đương về cường độ, mức độ tàn khốc với cú sốc dầu mỏ năm 1973.
"Năm 1973, phản ánh này đã gây ra một cú sốc lạm phát, khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất ồ ạt, chính điều đó đã giết chết tăng trưởng", ông Le Maire nói.
Cách hạ nhiệt giá dầu có thể là phá hủy nhu cầu hoặc OPEC+ có thể bơm thêm dầu để lấp đầy chỗ trống từ Nga. Điều đó có nghĩa các nhà sản xuất OPEC có công suất dự phòng như Saudi Arabia và UAE sẵn sàng gia tăng sản lượng nhiều hơn mức hạn ngạch mà không phá vỡ thỏa thuận nói trên của OPEC.
Thị trường sẽ cần những nguồn cung đó bởi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ không thể tăng đáng kể trong ngắn hạn.
Dù có các biện pháp trừng phạt hay không, nhưng "ngày càng rõ ràng rằng dầu Nga đang bị tẩy chay", JP Morgan nói.
Ước tính sơ bộ, các chuyến hàng dầu thô của Nga trong tháng 3 tại các cảng ở Biển Đen đã giảm 1 triệu thùng/ngày, Baltics giảm 1 triệu thùng/ngày và ở vùng Viễn Đông cũng giảm 500.000 thùng/ngày. Ngoài ra, ước tính có khoảng 2,5 triệu thùng dầu bị mất trong các chuyến hàng chở các sản phẩm dầu từ Biển Đen. Như vậy, Nga đang chịu tổng thiệt hại khoảng 4,5 triệu thùng/ngày.
"Cú sốc cung tức thời quá lớn đến mức chúng tôi tin rằng giá dầu có thể tăng lên 120 USD/thùng và giữ mức đó trong nhiều tháng để phá hủy nhu cầu, với giả thiết không có nguồn cung dầu từ Iran ngay lập tức", Natasha Kaneva, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại JP Morgan, nói.