Thị trường bất động sản Việt Nam liệu có đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế ?

Rạng sáng ngày 9/03/2018 theo giờ Hà Nội, 11 quốc gia bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc tham gia Hiệp định CPTPP được đánh giá là một bước đi có lợi cho Việt Nam trong nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Mặc dù tác động của CPTPP lên thị trường bất động sản (BĐS) không lớn như các ngành công nghiệp may mặc, thủy sản và nông nghiệp, tuy nhiên nhu cầu của các ngành liên quan đến BĐS như khu công nghiệp, nhà kho, và ngành hậu cần sẽ có sự gia tăng nhất định nhờ thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. CPTPP được kì vọng sẽ mở cửa lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, theo đó các công ty nước ngoài sẽ thành lập hoặc đặt chi nhánh tại Việt Nam làm gia tăng nhu cầu về nhà xưởng, khu công nghiệp, mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay, nguồn cung văn phòng chất lượng cao tại Hà Nội và TP.HCM chưa nhiều, đây là cơ hội cho các chủ đầu tư văn phòng điều chỉnh kế hoạch phát triển nhằm hướng đến phân khúc khách hàng mới. Nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê cũng sẽ tăng cao hơn.

Bên cạnh đó, những quy định mới trong Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2014, nhất là việc pháp luật cho phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án cũng là một lợi thế giúp thị trường BĐS Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế cho thấy, đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và năm 2018 còn được kỳ vọng là cao hơn nữa.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tổng vốn FDI vào BĐS Việt Nam năm 2017 đạt 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký, đứng thứ 3 trong 19 ngành và lĩnh vực thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong việc thu hút FDI vào Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2018, tổng vốn FDI vào BĐS đạt 312 triệu USD (khoảng 7.000 tỉ đồng), chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có số lượng lớn nhà đầu tư đến từ Nhật và Singapore, 2 nước trong CPTPP.

Nhật Bản cũng trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào thị trường BĐS Việt Nam khi các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như Mitsubishi, Maeda, Kajima, Sumitomo, Creed Group...tăng mạnh dòng vốn đầu tư vào BĐS ở TP.HCM với các dự án tiêu biểu như dự án Kikyo Residence tại quận 9 (TP.HCM), Dự án River City (quận 7, TP.HCM), Dự án Waterina (quận 2, TP.HCM) v…v...Còn tại Hà Nội, tập đoàn Mitsubishi cũng đã bỏ ra 290 triệu USD liên doanh cùng Tập đoàn Bitexco phát triển khu đô thị phức hợp The Manor Central Park tại quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trong 2 năm trở lại đây, thị trường BĐS Việt Nam được ghi nhận sẽ tăng trưởng và phát triển ổn định. Theo ông Steve Melhuish, Phó chủ tịch của Property Guru (Tập đoàn về Công nghệ BĐS có trụ sở tại Singapore) sự tăng trưởng và thu hút đầu tư dựa trên nhiều yếu tố, chủ yếu là tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu dẫn đến nhu cầu lớn về nhà ở và các lĩnh vực BĐS khác tại Việt Nam.

Theo nhận định của Batdongsan.com.vn, dòng vốn đầu tư ngoại vào BĐS trong năm nay sẽ chủ yếu tập trung từ các quốc gia Nhật Bản, Malaysia, Singapore, 7 nước còn lại trong CPTPP sẽ quan tâm đến các lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghệ nhiều hơn.

Ảnh Ông Steve Melhuish – Phó chủ tịch của Property Guru (Tập đoàn về Công nghệ BĐS có trụ sở tại Singapore)
Ảnh Ông Steve Melhuish – Phó chủ tịch của Property Guru (Tập đoàn về Công nghệ BĐS có trụ sở tại Singapore)

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP từ năm 2017 dù gây nhiều nuối tiếc nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ bỏ qua thị trường BĐS Việt Nam. Mặc dù không trực tiếp tham gia đầu tư xây dựng dự án, nhưng các nhà đầu tư đến từ Mỹ lại tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến BĐS như phân phối, quản lý vận hành văn phòng, resort, khách sạn, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại…

Những thương hiệu nổi bật đến từ Mỹ đã có mặt tại thị trường Việt Nam có thể kể đến như ERA Real Estate, Keller Williams, CBRE, Savills, Coldwell Banker, Colliers International, Cushman & Wakefield, Knight Frank, trong lĩnh vực quản lý và vận hành có Wyndham Hotel Group, Western Best, Marriott International, InterContinental Hotels Group, Dream Hotel Group…Trong năm 2017, 33 nhà đầu tư Mỹ cũng đã có chuyến khảo sát thị trường BĐS TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng do ông Ron Gonzales - cựu thị trưởng thành phố San Jose, bang California dẫn đầu. Thị trường BĐS Việt Nam sẽ nằm trong bản đồ đầu tư của Mỹ dù quốc gia này không còn tham gia CPTPP.

Cuối tháng 3/2018 , kênh thông tin Batdongsan.com.vn phối hợp với Hiệp hội BĐS Mỹ (National Association of Realtors®) và Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư bất động sản Việt – Mỹ với sự tham gia của 40 nhà đầu tư và đại biểu đến từ Mỹ, là đại diện của Hiệp hội BĐS Mỹ (National Association of Realtors®) và các chi hội ở một số bang/tiểu bang. Ngoài ra còn có các nhà đầu tư, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, luật sư tư vấn định cư, khách mời quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam tại Mỹ.

Hội nghị sẽ giới thiệu về tiềm năng thị trường BĐS Việt Nam năm 2018, cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư Mỹ và ngược lại, phía Mỹ cũng sẽ giới thiệu cơ hội đầu tư và hợp tác tại thị trường BĐS Mỹ cho các nhà đầu tư và công ty kinh doanh BĐS tại Việt Nam. Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 27/03/2018 tại TP.HCM và ngày 30/03/2018 tại Hà Nội. Chi tiết về Hội nghị xúc tiến đầu tư bất động sản Việt – Mỹ 2018, vui lòng xem TẠI ĐÂY!

Hà Anh