1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thị trường bán lẻ Việt Nam vào cuộc đua

Thời điểm này các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đang chạy đua xây dựng, mở rộng hệ thống, chuỗi cửa hàng bán lẻ theo tiêu chuẩn, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng...

Tiệm tạp hóa “lên đời”

Cửa hàng treo bảng G7 Mart rộng chừng 30m2 của anh Phạm Việt Hùng nằm lọt thỏm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.HCM). Cả bốn bóng đèn được bật sáng dù đang là ban ngày. Hàng hóa được sắp đặt gọn gàng trên kệ, phân theo ngành hàng nên trông cửa hàng khá gọn gàng, sáng sủa.

“Tôi mở cửa hàng này đã mười năm rồi, còn bảng hiệu G7 Mart chỉ mới được trưng lên cách nay hơn tháng. Khách mới đến vì sự thay đổi của cửa hàng không nhiều, nhưng hầu hết khách cũ của tôi đều khen cửa hàng trông sạch sẽ và có vẻ... hiện đại” - anh Hùng tỏ ra hài lòng.

Theo Bộ Thương mại, tính đến năm 2005 đã có trên 200 siêu thị, 30 trung tâm thương mại và khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động tại 30/64 tỉnh, thành.

 

Tuy nhiên, hàng hóa đến người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ (40%), cửa hàng bán lẻ (44%), còn hệ thống phân phối hiện đại chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 6% do nhà sản xuất trực tiếp bán hàng.

Theo anh Hùng, tổng chi phí mà Công ty TM & DV G7 thông báo đã đầu tư để nâng cấp cửa hàng của anh là 40 triệu đồng, đổi lại anh sẽ phải giữ mô hình mà G7 đã thiết kế trong vòng năm năm.

Riêng doanh thu từ các bảng quảng cáo treo tại cửa hàng sẽ được chia cho hai bên theo tỉ lệ 50:50, tính ra mỗi tháng anh Hùng được nhận thêm hơn 2 triệu đồng.

Ngoài ra, theo thỏa thuận, G7 sẽ cung cấp cho anh các loại hàng hóa thuộc năm ngành hàng: hóa mỹ phẩm, rượu bia - nước giải khát, sữa và thực phẩm từ sữa, bánh kẹo và thực phẩm khô.

Thế nhưng, theo anh Hùng, hiện nay G7 chỉ mới cung cấp được năm mặt hàng. “Những nhãn hiệu thật sự bán chạy mà tôi cần thì vẫn chưa thấy họ chào” - anh nói. Cách cửa hàng G7 Mart của anh Hùng một đoạn là cửa hàng bách hóa của Hợp tác xã Đô Thành vừa được Saigon Co-op “lên đời”.

Anh Nguyễn Ngọc Danh, nhân viên bán hàng, cho biết cửa hàng trước đây khá xập xệ, người mua và người bán được ngăn cách nhau bằng cái tủ to lạnh lùng, khách muốn mua gì cứ phải chỉ chỏ.

Còn nay cửa hàng được thiết kế lại theo dạng tự chọn nên lượng khách đến mua đông hơn, doanh số cũng tăng lên rất nhiều. “Ưu điểm của cửa hàng là mở cửa đến tận 23g30, lại chiết khấu khoảng 5% trở xuống cho tất cả mặt hàng ở giai đoạn đầu nên thu hút được khá nhiều khách mới” - anh Danh giải thích.

Theo Saigon Co-op, các cửa hàng được nâng cấp từ các hợp tác xã có diện tích chừng 30-100m2, chủ yếu nhằm phục vụ người dân ở các khu dân cư lao động đông đúc hoặc ngoại thành theo tiêu chuẩn cửa hàng tiện lợi, lịch sự và bán đúng giá.

Cuộc chơi của những “ông lớn”

Hệ thống các cửa hàng tiện lợi cũng đã đón chào những tên tuổi mới như Day & Night, Small Mart 24g/7, Shop & Go, Best & Buy... Tuy nhiên, dạo qua một số cửa hàng tiện lợi mới mở trên những đường phố lớn ở quận 1, quận 3..., điều dễ nhận thấy là khá vắng khách.

Theo một nhân viên bán hàng tại một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, sở dĩ khách không đến nhiều vì cửa hàng chủ yếu bán các mặt hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm đóng hộp, sản phẩm sữa... chứ chưa phải là các nhu yếu phẩm hằng ngày.

Các cửa hàng tiện lợi nằm trong khuôn viên của các cây xăng cũng rơi vào trường hợp tương tự vì người dân VN có thói quen đổ xăng xong là đi ngay, hiếm khi dừng lại để mua hàng.

Một chuyên gia của một công ty chuyên về phân phối nhận xét: “Mô hình cửa hàng Vissan khá thành công vì đáp ứng được những gì cần cho việc chuẩn bị một bữa ăn, từ thịt, rau quả, trái cây, gia vị... Lúc trước nhà đầu tư Masan Mart cũng đã phải đóng cửa cả hệ thống vì chọn sai địa điểm và đối tượng khách hàng”.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ đầu tư hệ thống siêu thị Citimart, cho biết sắp tới sẽ chăm chút hơn cho chuỗi cửa hàng tiện lợi Best & Buy.

“Cửa hàng tiện lợi kiểu VN phải là mô hình một siêu thị thu nhỏ, rộng khoảng 200m2, đặc biệt phải có khu thực phẩm tươi sống, đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của một gia đình mới mong có thể tồn tại và phát triển được. Một cửa hàng như thế đòi hỏi vốn đầu tư phải đến 3-4 tỉ đồng” - bà Hoa nói.

Theo tổng giám đốc một siêu thị, việc kinh doanh bán lẻ đã dễ dàng kiếm lợi nhuận hơn trong hai năm gần đây nhưng vẫn không phải là “sân chơi” của những người yếu về tiềm lực tài chính và non kinh nghiệm.

Vì hầu hết các công ty có những mặt hàng bán chạy đều không bán gối đầu nên đòi hỏi nhà phân phối phải có số vốn lưu động rất lớn. Ngoài ra, hiện nay không dễ tìm những mặt bằng rộng 5.000-10.000m2 trong nội thành để kinh doanh siêu thị, đó là chưa kể khoản vốn đầu tư ban đầu đã lên đến 50-60 tỉ đồng.

Để giải quyết khó khăn này, Saigon Co-op và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã quyết định sẽ bắt tay với nhau sau một thời gian dài không tìm được tiếng nói chung.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, chủ tịch HĐQT của Saigon Co-op, cho biết hai bên sẽ thành lập công ty để xây dựng hệ thống siêu thị mang thương hiệu Co-op Mart - Satra. Trong năm nay hai bên sẽ khởi công xây dựng siêu thị đầu tiên ở Đà Nẵng, sau đó sẽ là Long An, TPHCM...

Theo Trần Vũ Nghi - Như Hằng
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm