Thị trường 10 tỷ USD và loạt thương vụ “khủng” sau những cú “click chuột” mua sắm online
(Dân trí) - Thói quen mua sắm online ngày càng phổ biến đang tạo ra một thị trường thương mại điện tử có quy mô dự kiến lên tới 10 tỷ USD trong năm 2020. Kéo theo đó là sự phát triển như “vũ bão” của vận tải, logistics vốn nhiều tiềm năng, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư với hàng loạt thương vụ “triệu đô” diễn ra trong năm 2019.
Trên 4.000 công ty vận tải, logistics trên cả nước
Trong một báo cáo vừa công bố, Vietnam Report cho biết, với tỷ lệ 70% dân số Việt Nam đang sử dụng internet, truy cập bình quân mỗi người khoảng 28 giờ/tuần đã tạo điều kiện cho ngành thương mại điện tử phát triển mạnh.
Năm 2018, theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam, thị trường thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD, có mức tăng trưởng 30% so với năm 2017 và dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng cao trong nhiều năm tới, đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Thương mại điện tử phát triển kéo theo nhiều người tiêu dùng chuyển qua mua sắm trực tuyến và sự phát triển của mô hình kinh doanh mới cho các công ty dịch vụ chuyển phát với tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn và độ phủ của dịch vụ rộng khắp các tỉnh thành.
Nhiều trang thương mại điện tử cũng đầu tư vào xây dựng nền tảng công nghệ và hệ thống logistics, mở rộng quy mô kho bãi, tăng điểm phân phối hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Hiện tại ở Việt Nam có khoảng trên 4.000 công ty vận tải và logistics trong nước cung cấp dịch vụ đa dạng và toàn diện từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán…; trong đó 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.
Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải và logistics nội địa còn thấp so với doanh nghiệp FDI, số lượng doanh nghiệp ít hơn nhưng chiếm 70 - 80% thị phần.
Dịch vụ chủ yếu mà các doanh nghiệp kinh doanh logistics Việt Nam cung ứng cho khách hàng là các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài như dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho...
Các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistics mặc dù có một số doanh nghiệp cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa được quan tâm phát triển.
Theo công bố năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016, với điểm số LPI (Logistics performance index - chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể ở tất cả các chỉ số, đặc biệt là nhóm năng lực và chất lượng dịch vụ, từ 2,88 điểm lên 3,4 điểm.
Kết quả này đạt được nhờ những nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống hạ tầng.
Nhiều thương vụ M&A “triệu đô” trong năm 2019
Vietnam Report cho rằng, ngành vận tải và logistics của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng, tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới đến từ việc Chính phủ có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngành phát triển.
Cùng với đó là xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, nhiều hiệp định thương mại được ký kết, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thương mại điện tử và ngành công nghiệp tự động hóa, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện.
Ngoài ra, ngành vận tải và logistics cũng được cho là có thêm nhiều cơ hội mở ra từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, khi nhiều công ty Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam và Đông Nam Á.
Theo đó, có tới gần 91% các doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng, mức tăng trưởng của ngành trong năm 2020 sẽ trên 10%, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định mức tăng trưởng đạt 14 - 16%, theo chỉ số trung bình của những năm gần đây.
Cũng tại báo cáo này, các chuyên gia khảo sát Vietnam Report đã đưa ra dự báo, trong vòng 2 – 3 năm tới, làn sóng M&A vẫn tiếp tục sôi động trong lĩnh vực vận tải và logistics do áp lực cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và tác động của cuộc cách mạng 4.0.
Cùng với tiềm năng tăng trưởng cao của ngành vận tải và logistics Việt Nam và khả năng cạnh tranh kém của các doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường logistics Việt Nam thông qua hình thức M&A để tận dụng mạng lưới sẵn có, cùng nguồn khách hàng và kinh nghiệm vận hành nội địa.
Trong năm 2019, đã có nhiều thương vụ M&A trị giá hàng triệu USD, như Tập đoàn Symphony International Holdings (Singapore) cổ phần của Công ty cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) từ Singapore Post với giá 42,6 triệu USD, SSJ Consulting đã chi gần 40 triệu USD để mua 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Gemadept.
Hoạt động M&A cũng tạo ra thách thức cho doanh nghiệp trong nước phải cải tiến và đổi mới để tối ưu doanh nghiệp của mình, nhưng cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp khác khi được học tập kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, tối ưu hóa chi phí logistics của các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong nhiều châu lục.
Mai Chi