1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thép đã… tăng thế đấy!

Mai Chi

(Dân trí) - Một phiên giao dịch thăng hoa của cổ phiếu ngành thép và theo đó, cảm xúc của nhà đầu tư, cổ đông thép cũng trở nên bùng nổ, vỡ òa.

Đã rất lâu cổ đông của Hòa Phát mới lại chứng kiến HPG "khoác sắc tím" trên bảng điện như phiên hôm nay (3/3). HPG cũng là mã bluechip duy nhất trong rổ VN30 tăng trần, kéo VN30-Index tăng 23,88 điểm tương ứng tăng 1,59% lên 1.522,49 điểm.

Mã này tăng 3.200 đồng mỗi cổ phiếu, tương ứng 6,82%, đưa giá lên 50.100 đồng. Khối lượng giao dịch tại HPG hôm nay cũng tăng đột biến lên 76,24 triệu đơn vị, gấp hơn 3 lần so với khối lượng giao dịch bình quân trong một năm qua.

Thép đã… tăng thế đấy! - 1

Cổ phiếu HPG "kéo" VN-Index trong phiên 3/3 (Ảnh chụp màn hình).

Với mức tăng mạnh, HPG trở thành cổ phiếu dẫn dắt thị trường, đóng góp đáng kể cho chỉ số chính. Trong mức tăng 19,48 điểm của VN-Index (tương ứng tăng 1,31%) thì "công thần" HPG đã đóng góp 3,64 điểm (tương ứng 0,25%). Chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.505 điểm và một lần nữa đã "công phá" thành công cản tâm lý 1.500 điểm.

Ngoài HPG thì phiên hôm nay còn chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt cổ phiếu trong ngành tài nguyên cơ bản. Nhiều mã tăng kịch biên độ trên sàn và gần như không còn dư bán như BMC, POM, TNI, YBM, DTL. HHP tăng 6,5%; SHA tăng 6,4%; HSG tăng 6,2%; NKG tăng 6,2%; HAP tăng 6,1%; VIS tăng 5,5%; TLH tăng 5,4%; SAV tăng 5%...

Theo Hiệp hội Thép Thế giới, Nga và Ukraine lần lượt chiếm 4% và 1% sản lượng thép toàn cầu trong năm 2021. Tỷ trọng tổng xuất khẩu của Nga và Ukraine cao hơn khoảng 10% lượng thép xuất khẩu toàn cầu. Khoảng 40%-50% thép của cả hai quốc gia được xuất khẩu sang châu Âu, chiếm khoảng 30% lượng thép nhập khẩu và khoảng 9% lượng tiêu thụ của châu Âu.

Chiến sự giữa Nga và Ukraine nếu kéo dài có thể sẽ dẫn đến sụt giảm sản lượng thép của Ukraine và gây ra những rào cản đối với thép của Nga, từ đó đẩy giá thép trong khu vực này tăng cao hơn và hỗ trợ xuất khẩu thép Việt Nam sang châu Âu.

Bên cạnh đó, giá thép dẹt tại Việt Nam và tại một số thị trường xuất khẩu như Mỹ và Châu Âu đã tăng trở lại từ 5% -10% trong tháng qua, hỗ trợ biên lợi nhuận của công ty thép trong ngắn hạn.

Cổ phiếu xây dựng và vật liệu cũng khởi sắc. MCG, PXI, PTC, TGG tăng trần và dư mua giá trần khối lượng lớn, VSI tăng 6%, TCD tăng 5,4%, PHC tăng 4,5%; PXS tăng 4,5%, VNE tăng 4%.

Cổ phiếu ngành hàng và dịch vụ công nghiệp cũng được nhà đầu tư săn đón, tranh mua. Nhiều cổ phiếu tăng trần (đặc biệt là cổ phiếu ngành cảng biển), có thể kể đến GSP, TCO, VOS, VSC, GMD, HAH, MHC, PVT, VTO, VIP. Bên cạnh đó, ILB tăng 6,6%; TCL tăng 6,2%; PJT tăng 4,8%.

Theo quan điểm của các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán SSI, gián đoạn chuỗi cung ứng có thể kéo dài đến năm 2023 lâu hơn kỳ vọng ban đầu. Nguyên nhân các ca nhiễm Omicron tăng nhanh và khả năng xuất hiện các biến thể mới; chính sách "zero Covid" của Trung Quốc và do căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine sẽ gây thêm áp lực lên thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, lượng tàu mới bàn giao trong năm 2022 chỉ giới hạn ở mức 3,1% trọng tải đội tàu hiện tại. Do đó, ngành vận tải container quốc tế và nội địa được cho là sẽ tiếp tục hưởng lợi cho đến năm 2023.

Ngoài những ngành cổ phiếu nói trên thì "cổ phiếu vua" - ngành ngân hàng cũng có sự trở lại tích cực sau phiên bán mạnh ngày hôm qua. Hầu hết cổ phiếu trong ngành này đều tăng giá, trong đó, LPB tăng 3,5%; HDB tăng 3,3%; VPB tăng 2,6%; BAB tăng 2,3%...

Cổ phiếu ngành thực phẩm tăng mạnh với BAF, SBT, LSS tăng kịch trần, CMX tăng 5,2%; HNG tăng 3,7%; ASM tăng 3,6%; DBC tăng 3,2%.

Nhìn chung, dòng tiền trên thị trường đang có xu hướng luân phiên khá nhanh giữa các ngành dẫn dắt. Giữa bối cảnh thông tin về địa chính trị thế giới biến động khó lường, rủi ro lạm phát tăng cao, dòng tiền đang tìm sự trú ẩn an toàn ở những mã cổ phiếu ngành nguyên vật liệu hay thực phẩm.

Toàn thị trường trong phiên hôm nay có 758 mã tăng giá, 78 mã tăng trần, áp đảo so với 280 mã giảm, 7 mã giảm sàn. 

Thanh khoản thị trường đạt cao với giá trị giao dịch trên HoSE đạt 30.162,98 tỷ đồng, khối lượng giao dịch ở mức 929,21 triệu đơn vị. Sàn HNX có 119,37 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 3.515,23 tỷ đồng và trên sàn UPCoM là 104,42 triệu cổ phiếu tương ứng 2.191,42 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm