Thêm nhiều máy bay 787 bị cấm bay, Boeing bị yêu cầu bồi thường

(Dân trí) - Tiếp sau Mỹ và Nhật, ngày 17/1 thêm hàng loạt hãng hàng không đang sử dụng siêu máy bay Boeing 787 quyết định tạm đình bay với mẫu máy bay này. Đã có những yêu cầu bồi thường thiệt hại đầu tiên đối với nhà sản xuất.

Sau tuyên bố của Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) ngày 16/1 về quyết định tạm đình bay đối với các siêu máy bay Boeing 787, đến nay đã có thêm nhiều hãng hàng không tại Ba Lan, Ấn Độ, Qatar, Ethiopia có quyết định tương tự. 
Sự cố khiến hầu hết các máy bay Boeing 787 đã bị đình bay

Sự cố khiến hầu hết các máy bay Boeing 787 đã bị đình bay

Trong đó, LOT, hãng hàng không quốc doanh của Ba Lan là bị muối mặt hơn cả. Hãng này  vừa khai trương đường bay thẳng từ Warsaw đi Chicago cuối ngày 16/1 và nhiều khách hàng của họ đang nóng lòng bước lên chiếc 787. Ngay trong lễ khai trương tại sân bay O'Hare, Mỹ với sự hiện diện của nhiều quan chức trong đó có thị trưởng Chicago Rahm Emanuel, cơ trưởng của chuyến bay nhận được tin FAA đã cấm họ cất cánh. 

Vậy là thay vì được trải nghiệm cảm giác bay trên chiếc “máy bay giấc mơ” để về Warsaw, các hành khách của LOT buộc phải tìm khách sạn để nghỉ tạm trong khi chờ được bố trí máy bay mới. Bartek Pshyborvski, một hành khách của chuyến bay bị hủy nói: “Thật hài hước khi họ tuyên bố là ‘Hãng hàng không châu Âu đầu tiên sử dụng máy bay Boeing 787 Dreamliner’. Lố bịch, thật quá lố bịch”. 

Theo phó chủ tịch của LOT Airlines Tomasz Balcerzak, công ty của ông sẽ yêu cầu Boeing bồi thường về việc 2 chiếc máy bay 787 của họ bị đình bay. Ngoài ra còn 3 chiếc 787 khác dự định được bàn giao cho LOT vào cuối tháng 3 tới nhưng ông Balcerzak khẳng định LOT sẽ chỉ tiếp nhận khi các vấn đề về kỹ thuật được xử lý triệt để.

Trước đó 1290 hành khách của hãng hàng không Nhật Japan Airlines cũng bị ảnh hưởng khi hãng này quyết định hủy 8 chuyến bay giữa Tokyo và San Diego sử dụng máy bay 787 cho tới ngày 25/1. Hãng cũng phải đổi máy bay cho 70 chuyến bay khác.  

Tại Ấn Độ, sáng sớm 17/1, tổng giám đốc cơ quan hàng không dân dụng nước này cũng đã ra lệnh đình bay đối với toàn bộ 6 chiếc Boeing 787 vô thời hạn cho đến khi nào các sự cố được khắc phục. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Hàng không Ấn Độ Ajit Singh khẳng định có thể nước này sẽ yêu cầu Boeing bồi thường.

“Lệnh cấm được ban bố vào lúc 4 giờ 30 sáng (giờ Ấn Độ). Còn quá sớm để dự báo việc này sẽ phải mất bao lâu để giải quyết. Do đó vào thời điểm thích hợp, nếu cần, Air India sẽ yêu cầu Boeing bồi thường. Đối với một hãng hàng không, an toàn là ưu tiên số 1. Tại thời điểm FAA đề nghị đình bay đối với Dreamliner, tổng giám đốc cơ quan hàng không dân dụng đã được yêu cầu ngay lập tức ra lệnh cấm bay tương ứng tại đây”, ông Singh nói.

Tương tự, Qatar Airways, hãng đang sở hữu 5 chiếc 787 cũng đã tuyên bố tạm ngừng khai thác loại máy bay này. Tại Ethiopia, dù Ethiopian Airlines chưa phát hiện sự cố nào trên các máy bay của mình nhưng cũng quyết định đình bay đối với 4 chiếc 787.

Liên quan đến việc điều tra các lỗi của hệ thống pin, vốn là nguyên nhân khiến một chiếc 787 của hãng hàng không Nhật ANA phải hạ cánh khẩn cấp, dự kiến các quan chức Mỹ và một kỹ sư của Boeing sẽ có mặt tại Nhật trong ngày hôm nay. 

Theo tiết lộ ban đầu của thanh tra an toàn hàng không Hideyo Kosugi với kênh truyền hình NHK của Nhật, hệ thống pin trong một buồng điện ở dưới khoang lái đã bị phồng gây rò rỉ chất điện phân ra bên ngoài máy bay. Xung quanh bộ pin, các thanh tra tìm thấy dấu hiệu của sự cháy mặc dù họ không cho rằng đây chính là nguồn phát hỏa. 

GS Yuasa Corp, công ty sản xuất hệ thống pin lithium ion cho các máy bay 787 cho biết họ sẽ hỗ trợ điều tra nhưng nguyên nhân đến giờ vẫn chưa rõ ràng. “Chúng tôi vẫn chưa biết liệu vấn đề nằm ở pin, nguồn điện hay hệ thống điện tử”, người phát ngôn của công ty nói. “Nguyên nhân của sự cố vẫn chưa rõ ràng”.

Thanh Tùng
Tổng hợp