1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thêm một con tàu chờ ngày xẻ thịt?

Tàu AMC 03 trọng tải hơn 64.200 tấn đã được kéo từ Quảng Ninh về đỗ tại Hải Phòng, sau chuyến đi ngắn ngủi không quá 80km. Đây có thể là chuyến hải hành cuối cùng của con tàu này. Vì trước đó, nó đã bị bán, với giá rẻ hơn cả sắt vụn.

 

Tàu AMC 03 đã được đưa về đỗ tại Phà Rừng với giá bán rẻ hơn sắt vụn.

Tàu AMC 03 đã được đưa về đỗ tại Phà Rừng với giá bán rẻ hơn sắt vụn.

 

AMC 03 thực ra là tên mới mà con tàu này mang từ cuối năm 2012. Trước đó, nó đã lần lượt mang tên Pearl Of Kuwait, Hamburg Harmony, rồi tới Speedy Falcon. Tàu đóng năm 1981 tại Nhật Bản, và được công ty cổ phần Vận tải dầu khí (Falcon) – doanh nghiệp trực thuộc Vinalines – mua về vào tháng 8.2007.

 

Khi ấy, giá tàu biển thế giới đang ở “đỉnh” cao nhất, và Vinalines vẫn đang hoạt động có lãi. Thế nên không có ai để ý phân tích mức giá trên 420 tỉ đồng đổ ra để mua con tàu 26 tuổi này là đắt, hay rẻ. Đã có hai ngân hàng hợp vốn cùng cho vay dự án mua tàu Speedy Falcon.

 

Sáu năm sau, năm 2012, tàu Speedy Falcon giờ đã 32 tuổi bị bỏ vạ vật ở vùng nước thuộc khu vực Hòn Miều (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh). Con tàu đã trong tình trạng không có thuỷ thủ đoàn, không có dầu vận hành, không điện... tại khu vực này suốt từ tháng 11.2011.

 

Trước đó nữa, Speedy Falcon cũng không được vận hành nhiều. Trong các năm 2009, 2010 và nửa đầu năm 2011, tàu này thường xuyên bị giữ tại cảng Taean, Hàn Quốc vì ngót nghét 30 lỗi liên quan tới tình trạng kỹ thuật kém, do ít được chăm sóc, sửa chữa.

 

Thực tế, Speedy Falcon chỉ hoạt động được bình thường không quá một năm từ khi mua về. Thời gian sau đó, con tàu này liên tục neo vật vờ tại cảng nước ngoài vì bị lưu giữ, hoặc thiếu hàng vận chuyển. Cũng giai đoạn này có nhiều tàu của Falcon nói riêng, Vinalines nói chung bị lưu giữ tại các cảng nước ngoài do tình trạng kỹ thuật kém.

 

Giữa năm 2012, sau thời gian dài Falcon thua lỗ, không trả được nợ, Speedy Falcon bị ngân hàng xiết nợ. Một cuộc mua bán được thực hiện, con tàu được ngân hàng bán cho công ty cổ phần vật tư thiết bị Vietship với giá chưa đến 70 tỉ đồng, được đổi tên thành AMC 03.

 

Theo Đăng kiểm Việt Nam (VR), tàu AMC 03 có trọng lượng rỗng là 11.408 tấn. Như vậy, tính về giá thành, con tàu này được ngân hàng bán với giá... 6.000 đồng cho mỗi ký trọng lượng. Thời điểm cuối năm 2012, tàu biển bán để phá dỡ thu hồi sắt vụn có giá xê dịch trong khoảng trên dưới 8.000 đồng/kg trọng lượng tàu. Sau khi phá thì có giá từ 8.400 – 8.900 đồng/kg. Điều ấy có nghĩa, tàu AMC 03 đã được bán với giá thấp hơn cả giá sắt vụn.

 

Về nguyên tắc, công ty cổ phần vật tư thiết bị Vietship đã mua tàu AMC 03 để tiếp tục khai thác. Vì công ty này đã thoả thuận mua tàu trực tiếp từ ngân hàng. Còn nếu mua để phá dỡ làm sắt vụn, thì việc bán tàu này phải trải qua thủ tục chào thầu, đấu thầu cạnh tranh, công khai. Thế nên, vụ mua tàu AMC 03 cũng có thể coi là một thương vụ “lịch sử” trong kinh doanh ngân hàng, khi mà giá bán tàu “sống” còn rẻ hơn giá bán phế liệu.

 

Tàu AMC 03 có bị phá dỡ làm sắt vụn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Thoả thuận với công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng của công ty cổ phần Vật tư thiết bị Vietship khẳng định, họ thuê cầu Phà Rừng cho AMC 03 đỗ chỉ để “kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa”. Tại công văn ngày 24.12.2012 gửi cảng vụ Hải Phòng, công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng một lần nữa nhắc lại mục đích này với cơ quan chức năng.

 

Theo một doanh nghiệp chuyên nghề phế liệu tại Hải Phòng, tàu AMC 03 đăng ký treo cờ Mông Cổ, nên căn cứ luật Bảo vệ môi trường và nghị định 29/20096 về đăng ký, mua bán tàu biển, thì không thể làm thủ tục nhập tàu này để để phá dỡ trong nước. Do thế, việc xin đưa những tàu trên 30 năm tuổi treo cờ nước ngoài vào bờ sửa chữa chỉ là một lý do chủ tàu nêu ra, nhằm có cơ hội xẻ thịt tàu bán làm sắt vụn? Đó là nghi ngờ vì trong thực tế cách làm này đã được thực hiện tại Hải Phòng, “áp dụng” với các tàu biển như Hufa Star 01, hoặc Green Viship.

 

Theo Quốc Dũng

SGTT