1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nguy cơ cảng biển thành công trường “xẻ thịt” tàu cũ

Trên vùng biển Hải Phòng - Quảng Ninh, hàng chục con tàu cũ nát có nguy cơ bị “xẻ thịt” bất cứ lúc nào. Số lượng này ở các vùng biển VN lên tới hàng trăm tàu.

Tàu Hufa Star 01 đang bị xẻ thịt.
Tàu Hufa Star 01 đang bị "xẻ thịt".
 
“Chúng tôi sai rồi, nhưng xin cho hướng giải quyết”

 

Trong suốt quá trình theo dõi thông tin về vụ việc tàu Green Viship bị “xẻ thịt”, PV nhiều lần liên lạc với chủ tàu - Cty CPTM Đại Huy - nhưng bất thành. Bất ngờ, ngày 28/1 đại diện Cty này hẹn làm việc với các cơ quan báo chí để thông tin về vụ việc. Ông Nguyễn Công Đạt - Giám đốc Cty - thẳng thắn thừa nhận “Chúng tôi sai rồi”. Cũng theo ông Đạt, Cty CPTM Đại Huy mua tàu Green Viship từ Cty cổ phần vận tải biển Viship vào tháng 11/2012 với giá hơn 10 tỉ đồng.

 

Lý giải về việc tại sao đã có yêu cầu dừng nhưng Cty vẫn phá dỡ tàu Green Viship, bất chấp các quy định của pháp luật, ông Đạt cho biết: “Chúng tôi lâm vào bước đường cùng. Đã trót dốc toàn bộ vốn liếng, vay tiền ngân hàng để đầu tư mua con tàu này về để phá dỡ nên... làm liều. Cục Cảnh sát môi trường (Bộ CA) đã ra quyết định lập biên bản phạt chúng tôi 2 lần, số tiền phạt rất lớn”.

 

Cũng trong ngày 28/1, Cty CPTM Đại Huy và Cty TNHH Mạnh Thắng (đơn vị liên kết với Đại Huy) đã gửi công văn đến UBND TP.Hải Phòng đề nghị cho phép tiếp tục phá dỡ phần còn lại của con tàu. Cty đã ký hợp đồng thuê các đơn vị có chức năng để thu gom, xử lý chất thải nguy hại.

 

Từ vụ việc tàu Green Viship, có thể nhận thấy sự chậm trễ vào cuộc của các cơ quan chức năng TP.Hải Phòng cũng như Cục Cảnh sát môi trường (Bộ CA). Vụ việc được phát hiện ngay từ khi tàu Green Viship mới cắt bỏ một phần cabin, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ CA) đã vào cuộc từ ngày 28/12/2012, các cơ quan chức năng Hải Phòng cũng lập nhiều biên bản xử lý vi phạm . Tuy vậy, việc xử lý của các cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, xử phạt, còn con tàu thì bị phá tan tành. 

 

Hiện tại, tàu Green Viship bị cấm tháo dỡ, nhưng do đã bị “xẻ thịt” phần lớn nên nếu để nguyên trạng sẽ nguy hại cho môi trường. Các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được hướng xử lý, vì nếu cho phép phá dỡ sẽ vi phạm Luật Môi trường, trong khi nếu cấm phá dỡ thì hằng ngày tàu này tiếp tục gây ô nhiễm.

 

Nguy cơ thành công trường “xẻ thịt” tàu cũ

 

PV vừa có dịp khảo sát tại cửa Bạch Đằng (Hải Phòng), chứng kiến hàng chục con tàu han gỉ, xập xệ đang neo đậu. Chỉ cho chúng tôi một loạt con tàu lừng lững trơ thép gỉ sét, anh Nguyễn Văn Hải - người chở đò ở thôn Nghi, xã Tam Hưng - cho biết: Những con tàu này neo đậu ở đây tới mấy năm rồi, nó đang được các chủ tàu rao bán để “xẻ thịt”.

 

Tàu Green Viship không phải là tàu đầu tiên bị “xẻ thịt” chui, nó chỉ là tàu đầu tiên được báo chí phanh phui, phản ánh. Trước đó - tháng 11/2012, một tàu mang quốc tịch Mông Cổ là Hufa Star 01 cũng bị phá dỡ tại khu neo đậu trên sông Cấm. Tàu này được Công ty TNHH thương mại và xây dựng An Sinh mua rồi lén lút phá dỡ. Trong vài tuần, con tàu dài 100m, rộng gần 20m, trọng tải 6.300 tấn đã bị cắt phá tan tành. Tới đầu tháng 12/2012, lực lượng công an đã buộc Công ty An Sinh phải dừng việc phá dỡ trái phép. Tương tự, tại sông Bạch Đằng (huyện Thủy Nguyên - Hải Phòng) một tàu biển trọng tải gần 65.000 tấn cũng đang được chủ phá dỡ xúc tiến việc “xẻ thịt” chui. Nếu không có vụ việc tàu Green Viship bị báo chí phản ánh, có lẽ con tàu này đã được “mổ” xong.

 

Hiện tại, vùng biển Hải Phòng và Quảng Ninh có hàng chục chiếc tàu biển thuộc sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng mang quốc tịch nước ngoài bị ngân hàng giữ để thu hồi nợ. Trong số đó, có không ít tàu chuẩn bị giao cho các chủ kinh doanh phá dỡ tàu cũ, chờ ngày “xẻ thịt”.

 

Theo một chủ doanh nghiệp chuyên phá dỡ tàu cũ, hiện ở các vùng biển VN có hơn 1.000 tàu quá date neo đậu, chờ phá dỡ. Đa số các tàu này đều mang cờ Mông Cổ - một quốc gia không có biển. Sở dĩ phần nhiều các tàu này mang cờ Mông Cổ là để lách luật Việt Nam. Luật Bảo vệ môi trường tại điểm b, khoản 1, Điều 42 quy định: “Cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ”, nên các doanh nghiệp nhập tàu quá date phải đăng ký treo cờ nước khác để vào VN. Để giải quyết nợ nần, không ít chủ tàu chọn giải pháp bán sắt vụn. 

 

Hàng trăm con tàu hết date đang nằm vật vờ trên các vùng biển, những con tàu này chẳng thể nhập cảnh vào quốc gia khác do luật pháp của các nước có cảng biển đều không “chứa” những “đống rác” này. Những con tàu này vật vờ neo đậu trên khắp các vùng biển VN, đang hiện hữu một mối lo về môi trường và an toàn hàng hải. Cần một quyết định kịp thời và hợp lý ở cấp cao đối với những “rác thải công nghiệp” này.

 

 Tàu bị “xẻ thịt” ngầm để vớt vát vốn vay. Tối ngày 28.1, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Đỗ Đức Tiến - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - cho biết, hiện các tàu đang bị “xẻ thịt” tại Hải Phòng có một số là do các ngân hàng thực hiện để vớt vát tiền vốn cho các DN vay mua tàu từ nhiều năm trước, nhưng không khai thác được. Hiện các DN này không có khả năng chi trả ngân hàng, nên tàu trở thành vật thế chấp và bị “xẻ thịt” để ngân hàng thu hồi vốn. Tuy nhiên, đây là tàu nước ngoài nên nếu phá dỡ phải được phép của cơ quan quản lý. Cục đang báo cáo Bộ GTVT hiện tượng trên và đề xuất giải pháp cấm các tàu mới mua được phá dỡ theo kiểu trên. Còn với một số tàu mua từ lâu và đang phá dỡ thì kiến nghị Chính phủ cho hướng giải quyết.    

 

Bích Liên

 

Theo Việt Hòa

Lao động