Thế Giới Di Động để ngỏ khả năng mở chuỗi bán đồ công nghệ cao cấp
(Dân trí) - Sau 17 năm có mặt trên thị trường, đây có lẽ là thời điểm Thế Giới Di Động ghi dấu ấn bằng chuỗi cửa hàng cao cấp có tính biểu tượng.
Thế Giới Di Động đang khiến giới kinh doanh bán lẻ xôn xao mấy ngày nay vì úp mở thông tin ra mắt chuỗi TopZone nhưng lại không nói rõ ngành nghề của chuỗi mới. Trong một mini game do công ty tổ chức, TopZone đang để ngỏ các khả năng trở thành một chuỗi ở nước ngoài, một chuỗi cửa hàng thời trang, chuỗi cửa hàng hợp tác với Samsung hay Oppo, hoặc một chuỗi bán hàng công nghệ cao cấp. Trên thực tế, khả năng Thế Giới Di Động sẽ mở một chuỗi bán đồ cao cấp hoàn toàn có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Nhìn ở thị trường Việt Nam, chưa có nhiều siêu thị hàng công nghệ nào mang tính biểu tượng để thu hút người dân tới tham quan và mua sắm.
Sau khi có chuỗi cửa hàng bán lẻ phủ khắp Việt Nam, nhiều người dự đoán đây chính là thời điểm Thế Giới Di Động cần làm một cái gì đó mang tính đột phá lẫn mang lại nguồn doanh thu và cả tập khách hàng mới cho họ.
Nửa đầu năm 2021, thống kê từ Thế Giới Di Động và một số nhà bán lẻ lớn khác cho thấy, dòng iPhone và một số smartphone cao cấp chiếm phần nhiều trong doanh thu của các chuỗi. Chính Thế Giới Di Động thừa nhận giai đoạn đầu năm nay iPhone đã góp phần tăng trưởng lớn cho ngành hàng điện thoại của công ty.
Đó là chưa kể, nếu đầu tư vào chuỗi cửa hàng công nghệ cao cấp, nhà bán lẻ này có thể đưa thêm vào các dòng loa cao cấp, có những chiếc loa giá vài trăm triệu đồng. Họ có thể bán đồ âm thanh, phụ kiện công nghệ trên xe hơi, các phiên bản smartphone giới hạn, những đồ công nghệ kết hợp với những nhà mốt danh tiếng,...
Nguyên tắc 80-20 chắc chắn đúng trong trường hợp này: 80% doanh thu sẽ đến từ 20% sản phẩm cao cấp. Vấn đề của Thế Giới Di Động là làm sao thành lập được một chuỗi đủ để thu hút 20% khách hàng thu nhập cao đến với họ.
Nếu viễn cảnh đó xảy ra, bên cạnh nguồn doanh thu mới, Thế Giới Di Động hoàn toàn có thể tiếp cận được nhóm khách hàng mới mẻ hơn so với hiện tại. Nếu phục vụ tốt nhóm khách cao cấp này, nhà bán lẻ có thể nghiên cứu hành vi mua sắm để mở rộng các ngành nghề kinh doanh khác trong tương lai.
Nhà bán lẻ này có thể chọn hai mô hình: chuỗi có quy mô 2-3 cửa hàng tại mỗi tỉnh thành lớn, hoặc hoàn toàn đột phá để chỉ xây dựng khoảng dưới 10 cửa hàng trên khắp Việt Nam.
Nếu theo phương án hai, Thế Giới Di Động chỉ cần xây hai cửa hàng ở TPHCM, một cửa hàng ở Hà Nội, và từ từ tiến ra mỗi địa phương như Đà Nẵng, Cần Thơ mỗi nơi một cửa hàng. Các cửa hàng này phải cực kỳ đặc biệt để khách đến không chỉ xem hàng, mua hàng, mà được chứng kiến những công nghệ tiêu dùng tiên tiến nhất. Dù sang trọng nhưng cửa hàng cũng phải gần gũi để người dùng đến để ngắm nghía, thư giãn, gặp gỡ.
Còn gì tuyệt vời hơn khi ngày cuối tuần đến cửa hàng công nghệ tham dự một sự kiện công nghệ kết hợp văn hóa, sau đó bước ra hiên trước để ngắm nhà thờ Đức Bà, ngắm phố đi bộ Nguyễn Huệ, hoặc nhìn ra cầu Ánh Sao?
Đây cũng chính là mô hình cửa hàng mà Apple đang xây dựng trên toàn thế giới. Ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore mỗi quốc gia cũng chỉ có hai cửa hàng, nhưng mỗi cửa hàng trở thành điểm đến không thể thiếu của bất kỳ ai yêu công nghệ. Mỗi cửa hàng Apple Store trên toàn cầu đều là một công trình kiến trúc gắn với không gian chung quanh.
Thế Giới Di Động hoàn toàn có thể mở những cửa hàng bán đồ công nghệ cao cấp có thiết kế khác biệt, mang tính gắn kết với kiến trúc và văn hóa của từng địa phương. Chúng có không gian để người dùng trải nghiệm hàng hóa, có chỗ nghỉ chân, và thậm chí cần có không gian cho các buổi giao lưu kiến thức công nghệ lẫn văn hóa, nghệ thuật.
Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập ngày càng cao, sẵn sàng tiếp nhận cái mới và háo hức với những thứ có tính biểu tượng. Chỉ cần nhìn vào dòng người xếp hàng mua quần áo thời trang ngoại nhập hay uống cà phê giá cao hơn bữa ăn sẽ thấy rõ khả năng thành công của các nhà bán lẻ biết đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này. Về mặt làm hài lòng khách hàng, chắc chắn Thế Giới Di Động phải được xếp trong top đầu, và chắc chắn họ đã nhìn thấy được nhu cầu của nhóm này. Vấn đề còn lại chỉ là thời điểm nhà bán lẻ này quyết định nhảy vào khai thác mà thôi.