1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thấy gì từ "bảng xếp hạng" các nhà băng?

(Dân trí) - Trong số 32 ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm có 3 ngân hàng là Western Bank, VietBank và MDB bị đánh giá năng lực cạnh tranh bị hạn chế, tỉ lệ tiền mặt và tiền gửi NHNN trên tổng tài sản ở mức báo động.

Theo "Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012" được công bố sáng nay (8/9), có 9 trong trong số 32 ngân hàng được phân loại đánh giá được xếp vào hạng A.

Những ngân hàng này được đánh giá là có năng lực cạnh tranh cao với sức mạnh thị trường lớn, năng lực tài chính ổn định, hoạt động kinh doanh hiệu quả và tiềm năng phát triển tốt.

Các ngân hàng thuộc Top trên này gồm Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank).

Nhóm ngân hàng được xếp loại A hầu hết là các ngân hàng lớn

Nhóm ngân hàng được xếp loại A hầu hết là các ngân hàng lớn

Nhóm tiếp theo (nhóm B) gồm có Phương Nam (Southern Bank), Sài Gòn Công thương (Saigonbank), Bắc Á (Bac A Bank), Phát Triển TPHCM (HDBank), Hàng Hải (Maritime Bank), Quốc tế (VIB), Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), Việt Á (VietABank), Phương Đông (OCB). Đây là nhóm những ngân hàng có khả năng cạnh tranh khá, có sức mạnh thị trường tốt, năng lực tài chính hợp lý và hoạt động kinh doanh ổn định với tiềm năng phát triển tốt.

Các ngân hàng SHB, Habubank (đã sáp nhập vào SHB), Nam Việt (Navibank), Đại Dương (OceanBank), Kiên Long (Kienlong Bank), Phát Triển Nhà ĐBSCL (MHB), Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Bảo Việt (Baoviet Bank) thuộc nhóm C. Nhóm này được đánh giá là có năng lực cạnh tranh trung bình và cũng là nhóm có số lượng đông đảo nhất.

Theo đó, những ngân hàng này có sức mạnh thị trường hạn chế nhưng đem lại giá trị, năng lực tài chính nằm trong khoảng chấp nhận được và hoạt động kinh doanh ổn định, hoặc có năng lực tài chính tốt với hoạt động kinh doanh kém ổn định hơn.

Cuối cùng là nhóm D, nhóm ngân hàng có năng lực cạnh tranh hạn chế chỉ có Phương Tây (Western Bank), NH Việt Nam Thương Tin (VietBank) và NH Phát triển Mê Kông (MDB). Ba ngân hàng này được cho là thường bị hạn chế bởi một hoặc nhiều hơn những yếu tố như mạng lưới kinh doanh yếu, sức mạnh thị trường yếu, năng lực tài chính chấp nhận được và hoạt động kinh doanh kém ổn định.

Tại bản báo cáo có đưa ra nhận xét, tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi Ngân hàng Nhà nước trên tổng tài sản là một trong những chỉ số phản ánh tình trạng thanh khoản của một ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ này khá tốt ở những ngân hàng xếp hạng A và đang ở mức báo động đối với các ngân hàng xếp hạng D.

Ngoài ra, còn một số ngân hàng "sót" lại như NH Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (Agribank), Tiên Phong (TienPhongBank), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Đại Tín (TrustBank), Dầu khí Toàn câu (GP Bank), Sài Gòn (SCB) không được sắp xếp do thiếu thông tin cần thiết để tiến hành đánh giá. Vì các nghiên cứu, phân tích được áp dụng trong báo cáo này dựa trên báo cáo thường niên, báo cáo tài chính đã qua kiểm toán, báo cáo hoạt động của các ngân hàng hàng.

Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam 2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (CRV) tổ chức.
 
Trước đó, hồi đầu năm Ngân hàng Nhà nước cũng có một "bảng xếp hạng" của mình với việc phân nhóm để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012. Khác với "bảng xếp hạng" này, danh tính các nhà băng trong 4 nhóm của NHNN không được công bố công khai. Mặc dù vậy, với việc các ngân hàng nhóm trên lần lượt "khoe" chỉ tiêu tín dụng, danh tính các ngân hàng nhóm dưới cũng dần lộ diện và đó được coi là những "ứng cử viên" sáp nhập, tái cấu trúc theo chủ trương của NHNN để cải thiện năng lực của hệ thống tài chính.
Mai Chi