Thấy gì khi Trung Quốc đang đổi thay "bàn cờ ô tô điện" của thế giới?
(Dân trí) - Chỉ sau chưa đầy một thập niên, Trung Quốc đã trở thành thế lực đáng nể trên bàn cờ xe điện thế giới.
Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), Trung Quốc là thị trường tiêu thụ và là nước sản xuất xe điện lớn nhất toàn cầu.
Năm 2019, nước này tiêu thụ gần 1,2 triệu xe điện, đến năm 2020 là hơn 1,3 triệu chiếc. Năng lực tiêu thụ xe điện của quốc gia tỷ dân chỉ đứng sau châu Âu năm 2020, khi lượng xe điện tiêu thụ tại 28 nền kinh tế này đạt 1,4 triệu chiếc vào năm 2020.
Đến thời startup xe điện Trung Quốc "lột xác"
Trong khi đó, tại Mỹ, trong 2 năm 2019 - 2020, doanh số xe điện vẫn loanh quanh ở mức hơn 310.000 - 330.000 chiếc/năm. Còn ở Nhật Bản, thủ phủ của các hãng xe hơi nổi tiếng, trong 2 năm qua, số xe điện bán ra cũng chỉ đạt 30.000 đến 43.000 chiếc.
Với số dân 1,4 tỷ người, là thị trường cũng là nước sản xuất xe hàng đầu thế giới, Trung Quốc có thể sẽ dẫn đầu xe điện trong nay mai. Việc hai nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới là Tesla và Volkswagen đầu tư hàng tỷ USD để lắp ráp và duy trì các chuỗi cung ứng xe điện tại Trung Quốc vô hình trung kích thích các startup xe điện tại nước này trở thành những "gã khổng lồ".
Trung Quốc hiện có rất nhiều các hãng xe điện có khả năng đưa ra thị trường nhiều dòng xe thế hệ mới như SAIC, BYD, WM Motor, Li Auto, Xpeng Motors và Byton. Những thương hiệu này đã cho ra đời các mẫu xe điện chất lượng và đang sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đến từ Nhật, Hàn, thậm chí cả "gã khổng lồ" Tesla.
Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, chiến lược của Trung Quốc trong bài toán phát triển xe điện là chấp nhận hy sinh thiệt hại trước mắt để đạt lợi ích lâu dài.
Việc kéo được Tesla vào thị trường 1,4 tỷ dân của mình là một thắng lợi của Trung Quốc giống cách họ từng làm với Apple. Sau khi các "gã khổng lồ" công nghệ Apple thiết lập các kênh cung ứng toàn cầu, Trung Quốc đã bắt buộc chuyển giao công nghệ, để giúp các startup công nghệ nước này phát triển, bằng chứng là họ đã sản sinh ra những Huawei, Xiaomi, Oppo.
Tương tự như Apple, việc lôi kéo Tesla và Volkswagen vào giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng biến Tesla trở thành một phiên bản Apple thứ 2, làm lợi cho Trung Quốc, từ đó hình thành các tập đoàn xe hơi lớn của quốc gia này.
Và bằng chứng là chỉ sau thời gian ngắn khi Tesla vào Trung Quốc (2018), bằng nhiều cách khác nhau các hãng xe điện Trung Quốc đã vươn từ các startup nhỏ để trở thành những tên tuổi lớn thực sự trong ngành xe điện, trong đó phải kể đến SAIC với sự hậu thuẫn của Chính phủ.
Theo các chuyên gia, chính sách lôi kéo Apple và Tesla vào khai thác thị trường tỷ dân đi kèm với cam kết chuyển giao, hợp tác với doanh nghiệp nội địa là bài toán thành công của Trung Quốc trong cuộc đua chuyển đổi ngành công nghiệp số một của đất nước này.
Các mẫu xe điện của Trung Quốc hiện không chỉ giới hạn ở lãnh thổ quốc gia tỷ dân mà đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, châu Úc. Tại thị trường Đông Nam Á, do xe điện vẫn ở trạng thái xa vời, cơ sở vật chất chưa được xây dựng, sự xuất hiện xe điện của Trung Quốc vẫn còn mờ nhạt.
Tuy nhiên, từ năm 2020, một số mẫu xe điện Trung Quốc đã bắt đầu vào Malaysia thông qua các hợp tác song phương. Điều này cho thấy ý đồ của các hãng xe điện Trung Quốc sẽ không bỏ qua mảnh đất màu mỡ này một khi có cơ hội.
Việt Nam và ASEAN vẫn dừng chân ở chính sách
Thực tế, nằm gần cạnh Trung Quốc, cường quốc xe điện, các quốc gia ASEAN vừa có mặt lợi và bất lợi. Lợi thế là có thể học hỏi được kinh nghiệm, gần nguồn linh kiện, công nghệ hoặc hợp tác cùng phát triển. Tuy nhiên, mặt bất lợi có thể dễ nhận thấy rõ hơn là nguy cơ biến thành thị trường tiêu thụ lâu dài.
Là nước sản xuất hơn 20 triệu chiếc xe động cơ đốt trong, hơn 1,3 triệu chiếc xe điện mỗi năm, Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh trước bất kỳ đối thủ và thị trường nào nếu họ muốn.
Tuy nhiên, để làm được điều này, các hãng xe điện Trung Quốc phải lớn mạnh hơn, có nhiều công nghệ mới hơn trong cuộc cạnh tranh ngoài biên giới.
Để không bị biến trở thành thị trường tiêu thụ lâu dài cho xe điện của Trung Quốc, tất thảy các quốc gia đều phải thay đổi chiến lược. Phát triển xe điện, xe xanh không còn là thời tương lai mà đang hiện hữu và tác động lan tỏa đến nền kinh tế số hóa toàn cầu.
Hiện, Thái Lan là nước dẫn đầu trong cuộc đua ban hành các chính sách phát triển xe điện trong ASEAN. Mục tiêu của nước này là sản xuất đại trà xe điện vào năm 2025 và trở thành "Detroit xe điện của Đông Nam Á" vào năm 2030.
Các nước còn lại đều chưa có chính sách phát triển ô tô điện một cách rõ ràng, hoặc chỉ một hoặc vài hãng sản xuất xe hơi tư nhân tuyên bố đi vào ngành sản xuất xe điện với hàng loạt thách thức, khó khăn phía trước.