Thấy gì khi hàng loạt "ông lớn" ngành ô tô ồ ạt xin biệt đãi?

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - "Việc xin ưu đãi là cực chẳng đã, cho thấy khó khăn của doanh nghiệp, cơ chế xin cho vẫn còn ảnh hưởng nặng trên thị trường và đặc biệt chính sách còn đang có nhiều vấn đề", ông Nguyễn Minh Đồng nói.

Điệp khúc giá xe cao, bán khó, xin ưu đãi

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, biện pháp xin ưu đãi phí trước bạ 50% của doanh nghiệp là hoàn toàn bình thường trong bối cảnh nguồn cầu đang suy giảm, doanh nghiệp đang khó bán được hàng hóa, buộc phải đề nghị giải pháp tốt nhất.

Thấy gì khi hàng loạt ông lớn ngành ô tô ồ ạt xin biệt đãi? - 1

Tiêu thụ xe hơi tháng 7, tháng 8 suy giảm, các hãng ồ ạt xin ưu đãi chính sách của Chính phủ khi dịch bệnh đang kéo dài

"Giá xe tại Việt Nam quá cao, cao hơn cả giá xe các nước phát triển do chúng ta đánh thuế mua tài sản cố định quá cao. Chính vì vậy, muốn kích thích tiêu dùng, giải phóng lực cầu, phải tìm cách gỡ từ đây", ông Đồng nhận định.

Tuy nhiên, việc giảm phí trước bạ 50% chỉ mang tính thời điểm và khá khó khăn giải quyết, nếu được chấp thuận cũng mất cả tháng trời. Trong khi đó, hiện nay, doanh số bán ra của doanh nghiệp đang giảm dần.

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tháng 7, lượng xe tiêu thụ cả nước chỉ được 16.000 chiếc, giảm 32% so với tháng 6. Trong đó, xe con chỉ đạt mức tiêu thụ 10.400 chiếc, giảm 34%.

Tiêu thụ xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 9.000 chiếc, giảm 32%, còn xe nhập là 7.000 chiếc, giảm 31%. Nhìn về doanh số các mẫu xe lắp ráp trong nước 7 tháng qua có thể thấy xu hướng chung là suy giảm lượng bán ra rất mạnh mẽ. Trong các tháng 3, 4, 5, doanh số bán xe lắp ráp trong nước đều đạt trên 13.000 đến 17.000 chiếc thì đến tháng 7 tụt giảm xuống 9.000 chiếc.

Hệ quả là hàng loạt "ông lớn" lắp ráp xe hơi trong nước chịu giảm doanh số mạnh. Chẳng hạn, Mitsubishi chỉ đạt 1.000 chiếc xe xuất xưởng, giảm 800 chiếc so với tháng trước; Toyota chỉ bán được hơn 3.600 chiếc, giảm 1.500 chiếc; Thaco Kia bán được 2.300 chiếc, giảm hơn 1.000 chiếc; Mazda bán được 1.200 chiếc, giảm hơn 600 chiếc; Hyundai Thành Công bán được hơn 4.000 chiếc, giảm hơn 1.500 chiếc...

Nặng cơ chế xin cho, chính sách có vấn đ

Theo một số chuyên gia về ô tô, chính sách thuế cao đánh vào xe hơi của Việt Nam hiện duy trì từ ngày đến nay đã gần 5 thập kỷ. Chuyên gia cho rằng những chính sách như thuế tiêu thụ đặc biệt cần cởi bỏ hoặc tiết giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thấy gì khi hàng loạt ông lớn ngành ô tô ồ ạt xin biệt đãi? - 2

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, ưu đãi chỉ là biện pháp ngắn hạn. Việc cần làm là phải có chính sách dẫn đường, thích ứng nhanh chóng để có lợi cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho rằng, nhìn sang các nước phát triển, cần đặt câu hỏi tại sao ngành ô tô của họ phát triển được. Và câu trả lời là vì họ có thị trường.

Ông Đồng cho rằng, nhiều bang của Mỹ không đánh thuế tiêu thụ đối với xe hơi mà quay sang đánh thuế đối với xăng dầu, trong đó có thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng 70-80%. Đức cũng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào xe, chuyển sang đánh vào xăng dầu, điện. Với xe hơi, thuế VAT áp dụng là 19%.  

Tại Việt Nam, các mức thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn được áp dụng rất cao. Do đó, theo chuyên gia, có thể bỏ đối với xe dung tích xy lanh dưới 1.000 cc trở xuống, giảm 50% mức thuế suất hiện nay đối với xe dung tích xylanh 1.500 cc; không đánh thuế TTĐB đối với xe điện vì ô tô hiện không còn là mặt hàng xa xỉ phẩm nữa.

Cũng theo ông Đồng, nếu Nhà nước muốn thu thuế, công bằng tài chính thì đã có các loại thuế môi trường trong xăng dầu, phí cầu đường, rồi thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng... "Không thiếu thuế để bổ sung cho ngân sách, không thể giữ mãi chính sách thuế và cách thu thuế cũ như hiện nay", ông nói. 

Chuyên gia nói trên cũng nhận định, hiện nhiều nước đã "trải thảm đỏ" ưu đãi cho người mua xe hơi. Đơn cử, Đức, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc tặng tiền trực tiếp cho người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện, hay hỗ trợ hàng chục nghìn USD/trạm sạc xe điện cho doanh nghiệp...

Ông Đồng nhấn mạnh, Việt Nam hiện nay vẫn chưa có chính sách dẫn đường cho doanh nghiệp phát triển xe điện. Mọi chính sách xe xanh, xe điện, năng lượng mới vẫn chung chung, theo đề xuất của một vài doanh nghiệp.

Thực tế, 6 tháng cuối năm 2020, khi Việt Nam giảm 50% phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, ngân sách tăng thu hơn 11.200 tỷ đồng. Ước tính kể từ khi Chính phủ cho giảm 50% phí trước bạ (chính thức từ 28/6 đến 31/12) lượng xe tiêu thụ tăng đột biến. Riêng 11 doanh nghiệp thuộc VAMA đạt doanh số gần 121.000 chiếc 6 tháng cuối năm 2020, tăng gần 55.000 chiếc so với 6 tháng đầu năm, ước tăng khoảng 45,5%.

Nhờ vào việc giảm 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ, số xe ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước bán ra trong 6 tháng cuối năm 2020 đã đạt hơn 193.000 chiếc, tăng hơn 90.300 chiếc so với 6 tháng trước đó khi không được giảm lệ phí trước bạ. Ngoài ra, doanh số bán xe của một số bên cũng tăng mạnh, bất chấp đại dịch. 

Cũng theo các chuyên gia, một khi các chính sách như thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ được giảm, về lý thuyết thì chi phí cho xe sẽ thấp đi. Giá xe nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng thấp hơn và người tiêu dùng hưởng lợi.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào ít, giá xe thấp nên khả năng cạnh tranh của xe trong nước với xe nhập tốt hơn, thị trường cho xe trong nước rộng mở hơn. Tỷ lệ nội địa hóa vì thế cũng tăng lên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đóng các loại thuế thu nhập doanh nghiệp lớn hơn, ngân sách trở nên hài hòa hơn.