Thấy gì khi các đại gia Việt đổ nghìn tỷ vào nông nghiệp?

(Dân trí) - Khi bầu Đức dấn thân trồng cao su, mía đường, trồng bắp đến nuôi bò, người ta vẫn nghĩ nông nghiệp chỉ là “mảng miếng thâm canh” cho các phương án kinh doanh đa ngành nghề của các đại gia lắm tiền nhiều của.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Tuy nhiên, khi chứng kiến kết quả kinh doanh tươi sáng của ông cộng với xu hướng rất nhiều đại gia Việt đang có kế hoạch đổ vốn nghìn tỷ vào nông nghiệp thì người ta mới đặt ra câu hỏi: Phải chăng, nông nghiệp đang không còn bị coi là “vịnh trú bão” cho các đại gia Việt mà nó thực sự trở thành mảnh đất sinh vàng cho họ trong tương lai?

Đầu tư “trái khoáy”, bầu Đức ôm nghìn tỷ

Từ năm 2008 khi bầu Đức quyết định đổ vốn vào trồng hơn 15 vạn ha cao su tại Attapeu (Lào), bất động động sản lúc này còn đang nóng hổi. Khi đó rất nhiều người đặt dấu hỏi nghi ngờ về hiệu quả của lĩnh vực kinh doanh mới, không phải thế mạnh của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và đặt dấu hỏi vì sao ông không đổ vốn vào bất động sản vốn đang trong lúc “ăn thời gặp số” của nhiều đại gia Việt.

Th

Thành công của ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đang là cơ sở để tin rằng đầu tư vào nông nghiệp là lựa chọn đúng đắn của các đại gia Việt Nam.

Bốn năm sau,  năm 2012, người ta lại thấy Bầu Đức chơi “ngông” khi tiếp tục đổ vốn vào trồng mía đường, trong bối cảnh các nhà máy mía đường Việt Nam thừa công suất và lượng mía nguyên liệu của người dân một số vùng không biết bán cho ai. Người ta lại hết sức nghi ngờ sự đầu tư “trái khoáy” của bầu Đức có mang hiệu quả?

Tiếp đó, tháng 4/2014, bầu Đức tiếp tục đổ vốn khủng vào trồng hơn 5.000ha ngô (bắp) tại Lào. Sau 6 năm lăn lộn vào nông nghiệp công nghệ cao, HAGL của bầu Đức đã sở hữu 46.000 ha cao su, 10.000ha mía và 6.000 ha bắp tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Không chỉ dừng lại ở trồng trọt, tháng 6/2014, bầu Đức tiếp tục dấn thân vào ngành chăn nuôi khi góp vốn hơn 6.300 tỷ cùng hai đối tác nuôi 236.000 con bò sữa và bò thịt tại Lào.

Và sự “ngông”, triết lý đầu tư không theo đám đông có phần “trái khoáy” của bầu Đức dần cho kết quả, năm 2014, theo báo cáo tài chính của HAGL, doanh thu từ bán đường đã góp mạnh nhất vào tổng doanh thu của tập đoàn này với hơn 1040 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2013. Cũng trong năm, doanh thu từ bán bắp của tập đoàn này cũng đạt khoảng 204 tỷ đồng. Hai lĩnh vực trồng mía và bắp ngô cũng được xem là đã “cứu thua” cho các mảng kinh doanh khác của bầu Đức năm 2014.

Đặc biệt, vào tháng 2/2015 bầu Đức mạnh đã dạn bán hơn 50% dự án phức hợp Myanmar Center – (dự án được công ty này rất kỳ vọng lợi nhuận trước đó) với mục đích lấy tiền để nuôi bò. Và tại giới thiệu sản phẩm thịt bò tơ Australia đầu tiên của mình tại thị trường Việt sau 7 tháng hợp tác với Công ty Vissan, bầu Đức mạnh dạn tuyên bố: nuôi bò sẽ là mảng kinh doanh “siêu lợi nhuận” hơn cả bất động sản thời cực thịnh và đây sẽ tiếp tục là lĩnh vực đầu tư chủ chốt của HAGL trong năm tới.

Không chỉ có mía, bắp và bò mang về siêu lợi nhuận, còn hơn 46 vạn ha cao su (trong đó gần 5.000 ha đã bắt đầu cho sản phẩm) được kỳ vọng sẽ cho bầu Đức khoản doanh thu và lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm trong thời gian tới

Đến lượt hai đại gia lớn “thâm canh” nông nghiệp

Ngoài các dự án tiền tỷ của bầu Đức, lĩnh vực nông nghiệp trong nước còn đươc nhận vốn đầu tư nghìn tỷ của các dự án như: dự án nuôi bò của ông chủ Đức Long Gia Lai, dự án đầu tư nuôi bò Kobe nghe nhạc, trồng mía của cựu chủ tịch Ngân hàng Sacombank Đặng Văn Thành, rồi việc hiện thực hóa giác mơ cho người Việt uống sữa tươi nguyên chất của bà chủ sữa TH True milk Thái Hương… Gần nhất, dư luận rúng động trước sự kiện, liên tiếp hai đại gia có tiếng của Việt Nam đồng loạt chọn ngành nông nghiệp làm sân chơi mới, một đến từ đại gia lớn ngành thép và một là tỷ phú đô la Việt Nam.

Trong đó có việc ông chủ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long "rót" 300 tỷ đồng vào chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi. Sau bầu Long, tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng - ông chủ của Tập đoàn Vingroup trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất đầu tư các dự án nông nghiệp quy mô lớn tại tỉnh này nhằm ba mục tiêu chính: sản xuất sản phẩm rau, quả sạch cho người tiêu dùng Việt Nam; áp dụng công nghệ cao để giảm chi phí và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp của tỷ phú đô la người Việt được thai nghén từ khi ông gặp chuyên gia nông nghiệp của Israel. Ông nhận định đây là lĩnh vực đáng đầu tư và không giấu tham vọng đầu tư dự án để giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển, người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm sạch với giá không đắt đỏ.

Được biết, đề xuất của chủ tịch Vingroup đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bộ NN&PTNT hoan nganh và hứa tạo điều kiện đầu tư sắp tới. Mặc dù chưa biết rõ số vốn thực tế là bao nhiêu, nhưng với tầm vóc của 1 tập đoàn lớn, chắc chắn số vốn mà Vingroup thực hiện cho dự án nông nghiệp trong tương lai sẽ không phải là nhỏ bởi cánh cửa xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang các nước đang ngày càng được mở rộng.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”